Hợp đồng kỳ hạn là gì? Đặc điểm, ý nghĩa của hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng kỳ hạn là công cụ phòng ngừa rủi ro về giá hàng hóa, tài sản tài chính. Cùng VTrade tìm hiểu về loại chứng khoán phái sinh này qua bài viết sau!

Hợp đồng kỳ hạn là gì? Đặc điểm, ý nghĩa của hợp đồng kỳ hạn
Vtrade Author

05:50, 07/06/2024

109

VIEW

Trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động mạnh mẽ thì hợp đồng kỳ hạn được xem là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, loại hợp đồng này vẫn còn khá mới mẻ trên thị trường tài chính Việt Nam. Vậy cụ thể hợp đồng kỳ hạn là gì? Hãy cùng VTrade tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé! 

Hợp đồng kỳ hạn (Forward Contract) là gì?

Hợp đồng kỳ hạn (Forward Contract) là một loại chứng khoán phái sinh. Đây chính là hợp đồng thỏa thuận mua bán tài sản trong tương lai của người mua và người bán với mức giá đã được xác định tại thời điểm ký kết. Hợp đồng này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự biến động giá cả hàng hóa trong tương lai. 

Ví dụ hợp đồng kỳ hạn: Vào ngày 04/01/2024, ông A và ông B ký kết một hợp đồng mua bán gạo trong kỳ hạn 06 tháng. Ông A mua 100 tấn gạo từ ông B với mức giá là 25.000 VND/kg. Theo đó, ông B cần giao đúng số lượng gạo cho ông A vào ngày 04/07/2024 với đơn giá là 25.000 VND/kg.

  • Tài sản cơ sở là gạo.
  • Ngày đáo hạn là 04/07/2024.
  • Kỳ hạn là 06 tháng.
  • Giá kỳ hạn là 25.000 VND/kg.
hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng kỳ hạn là gì?

Nội dung của hợp đồng kỳ hạn

Trước khi tham gia giao dịch Forward Contract, bạn phải nắm rõ tất cả nội dung có trong hợp đồng, đảm bảo có đầy đủ các thông tin cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho các bên. Thông thường, nội dung của một Forward Contract bao gồm các yếu tố sau đây:

Các loại tài sản cơ sở:

  • Tài sản thực: Lúa mì, gạo, dầu, cao su, hạt điều, cà phê,...
  • Tài sản tài chính: Trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ,...

Các bên tham gia:

  • Bên mua (Long position): Là người đồng ý mua tài sản vào một thời điểm xác định cụ thể trong tương lai với mức giá đã xác định ở hiện tại.
  • Bên bán (Short position): Là người đồng ý bán tài sản cho người mua vào một thời điểm xác định cụ thể trong tương lai với mức giá đã xác định ở hiện tại.

Thời điểm xác định trong tương lai: Là thời điểm thanh toán hợp đồng hay kỳ hạn của hợp đồng, được tính từ ngày ký kết đến ngày thanh toán.

Giá kỳ hạn: Là mức giá áp dụng trong tương lai dành cho tài sản cơ sở ở hiện tại.

hợp đồng kỳ hạn là gì

Các bên tham gia vào Forward Contract phải tuân thủ các nội dung, điều khoản có trong hợp đồng

Giá trị của hợp đồng kỳ hạn

Giá trị của một Forward Contract chính là mức lãi hoặc lỗ của bên mua hoặc bán tài sản trong hợp đồng. Khi đến ngày đáo hạn sẽ có một bên thu lời và một bên chịu lỗ tùy vào biến động giá của hàng hóa. Để định giá hợp đồng kỳ hạn, bạn có thể theo dõi cách tính sau đây:

Giả sử S(t) là giá giao ngay tài sản cơ sở theo mức giá thị trường khi kết thúc hợp đồng, K là giá kỳ hạn được ấn định trong hợp đồng. Từ 2 giá trị này, ta có:

  • S(t) - K: Là giá trị mà người mua nhận được cho một đơn vị tài sản cơ sở khi kết thúc hợp đồng.
  • K - S(t): Là giá trị mà người bán nhận được cho một đơn vị tài sản cơ sở khi kết thúc hợp đồng.

Trong đó, giá trị K không đổi, cho dù giá của tài sản cơ sở trên thị trường tăng hay giảm. Đến ngày đáo hạn, người mua phải mua tài sản theo giá trên thị trường. Lúc này xảy ra 2 trường hợp sau đây: 

  • S(t) > K: Người mua có lãi, người bán chịu lỗ.
  • S(t) < K: Người mua chịu lỗ, người bán có lãi.
  • Mức lãi/lỗ = Giá trị nhận được - Phí hợp đồng.

Theo như ví dụ về hợp đồng kỳ hạn ở mục trên, nếu đến ngày đáo hạn là 04/07/2024, giá gạo trên thị trường giảm xuống còn 20.000 VND/kg. Tuy nhiên, ông A vẫn phải mua gạo từ ông B với mức giá kỳ hạn đã ấn định là 25.000 VND/kg. Lúc này, ông A sẽ chịu lỗ 5.000 VND/kg và ông B sẽ có lãi 5.000 VND/kg. 

ví dụ về hợp đồng kỳ hạn

Mức giá kỳ hạn đã được ấn định trên hợp đồng là con số không thay đổi

Đặc điểm của hợp đồng kỳ hạn

Sau đây là những đặc điểm chính của một Forward Contract:

  • Vào ngày ký kết hợp đồng, 2 bên mua bán tài sản sẽ không thực hiện thanh toán tiền và trao đổi tài sản cơ sở. Hoạt động này sẽ tiến hành vào ngày đáo hạn.
  • Đến ngày đáo hạn, 2 bên mua bán tài sản phải thực hiện theo các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng.
  • 2 Bên phải thực hiện mua bán theo mức giá đã ấn định khi kết thúc hợp đồng cho dù giá trị của tài sản cơ sở trên thị trường có tăng hay giảm.
  • Hợp đồng phải được thỏa thuận và ký kết bởi 2 bên, không qua trung gian và không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào.
  • Tài sản cơ sở có thể là bất kỳ loại tài sản nào mà không cần chuẩn hóa về khối lượng, chất lượng hay giá trị.
  • Không được niêm yết và giao dịch trên thị trường tập trung, chỉ được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC).
  • Các bên tham gia có thể đóng một vị thế bằng cách mở một vị thế trái ngược với một Forward Contract tương tự.
  • Không thực hiện ký quỹ.
  • Tính thanh khoản thấp nên mức độ rủi ro khá cao.
đặc điểm của hợp đồng kỳ hạn

Tài sản cơ sở trong Forward Contract có thể là bất kỳ loại tài sản nào mà không cần chuẩn hóa về khối lượng, chất lượng hay giá trị

6 Loại hợp đồng kỳ hạn phổ biến hiện nay

Hiện nay, hợp đồng kỳ hạn được phân chia cụ thể thành 6 loại sau đây:

  • Hợp đồng kỳ hạn cổ phiếu (Equity Forward Contract): Tài sản cơ sở trong hợp đồng chính là cổ phiếu.
  • Hợp đồng kỳ hạn trái phiếu (Forward Contract On Bond): Tài sản cơ sở của loại hợp đồng này đó là trái phiếu.
  • Hợp đồng kỳ hạn hàng hóa (Commodity Forward): Tài sản cơ sở trong hợp đồng là các loại hàng hóa thực như lúa, gạo, hạt điều, cà phê,...
  • Hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn (Currency Forward Contract): Hợp đồng có sự cam kết của 2 bên về việc mua/bán một lượng ngoại tệ theo một tỷ giá đã xác định, vào một thời điểm cụ thể trong tương lai.
  • Hợp đồng lãi suất kỳ hạn (Forward Rate Agreement - FRA): Hợp đồng được sự đồng ý của 2 bên về việc trả lãi suất vào một ngày xác định trong tương lai.
  • Hợp đồng kỳ hạn không giao dịch (Non-deliverable Forward - NDF): Hợp đồng được thực hiện bằng thỏa thuận giao dịch tiền mặt (cash settlement) thay vì nhận tài sản gốc (physical delivery).

Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam hiện nay thì hợp đồng kỳ hạn ngoại hối là phổ biến. Ở hợp đồng này, tài sản cơ sở là đồng tiền ngoại tệ và giá kỳ hạn là sự chênh lệch về tỷ giá. Các đối tượng tham gia sẽ là các ngân hàng thương mại, các công ty xuất nhập khẩu hay các tổ chức đầu tư tài chính.

hợp đồng kỳ hạn

Cổ phiếu là tài sản cơ sở trong Equity Forward Contract

Ưu nhược điểm của hợp đồng kỳ hạn

Trước khi tham gia vào Forward Contract, bạn cần tìm hiểu kỹ càng về các ưu và nhược điểm mà hợp đồng này mang lại.

Ưu điểm

  • Ưu điểm của hợp đồng kỳ hạn được nhiều người quan tâm nhất là giúp phòng ngừa rủi ro. Đây chính là công cụ tuyệt vời để các doanh nghiệp có thể cố định khoản thu nhập của mình trước tác động bởi thị trường.
  • Hợp đồng được thỏa thuận bởi 2 bên mua bán tài sản và được giao dịch riêng biệt nên hợp đồng này có tính linh hoạt về thời hạn, quy mô,...
  • Hợp đồng không có sự tham gia của bên thứ ba nên người mua và bán sẽ không cần tốn thêm bất kỳ khoản chi phí phát sinh nào.

Nhược điểm

  • Tính thanh khoản tương đối thấp nên mức độ rủi ro mang đến cho nhà đầu tư khá cao.
  • Giao dịch được thực hiện tại thị trường phi tập trung nên nếu 1 trong 2 bên tham gia không có khả năng thanh toán thì bên còn lại sẽ chịu rủi ro thua lỗ.
  • Các bên tham gia không thể hoán đổi vị trí của mình trước thời điểm đáo hạn.
ví dụ hợp đồng kỳ hạn

Tính thanh khoản của Forward Contract tương đối thấp nên nhà đầu tư sẽ có nguy cơ gặp phải rủi ro thua lỗ

Ý nghĩa của hợp đồng kỳ hạn

Forward Contract mang đến nhiều lợi ích trong việc kinh doanh đầu tư. Hợp đồng này sẽ giúp phòng ngừa rủi ro liên quan đến giá hàng hóa, tài sản trước sự biến động bất ngờ trên thị trường. 

Các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng Forward Contract để cố định một khoản chi phí đầu tư, thường là chi phí nguyên vật liệu. Điều này sẽ giúp phòng ngừa rủi ro giá cả nguyên vật liệu leo thang, tăng đột biến trong tương lai.

Còn các nhà đầu tư tài chính, ngân hàng thương mại hay công ty đa quốc gia, công ty xuất nhập khẩu thì Forward Contract sẽ là lựa chọn hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá hối đoái. 

Ứng dụng của hợp đồng kỳ hạn

Thông qua những thông tin ở trên, có thể thấy Forward Contract chính là công cụ giúp phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Mặc dù không được chuẩn hóa và giao dịch chỉ được thực hiện ở thị trường OTC nhưng các bên sản xuất thường lựa chọn hợp đồng này với mục đích:

  • Tránh sự tăng giá đột ngột trong tương lai.
  • Cố định chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
định giá hợp đồng kỳ hạn

Forward Contract giúp các cơ sở sản xuất cố định chi phí nguyên vật liệu đầu vào mà không lo về những biến động về giá trong tương lai

Kết luận

Hợp đồng kỳ hạn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tài chính hiện đại. Công cụ này góp phần quản lý rủi ro về biến động giá một cách hiệu quả, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Hy vọng bài viết trên đã mang lại những thông tin hữu ích cho những ai đang có ý định tham gia vào loại hợp đồng này. Đừng quên truy cập vào website của VTrade để xem thêm nhiều bài viết khác nhé!

Bài viết liên quan

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.