Các sự kiện IPO châu Á nổi bật trong năm 2024

Sau một năm 2023 khó khăn, các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở thị trường châu Á có thể tăng mạnh trở lại, khi Hồng Kông chứng kiến sự quay lại dần dần của các thương vụ lớn từ phía Trung Quốc đại lục trong năm nay.

Các sự kiện IPO châu Á nổi bật trong năm 2024
Vtrade Author

02:59, 23/01/2024

251

VIEW

Sau một năm 2023 khó khăn, các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở thị trường châu Á có thể tăng mạnh trở lại, khi Hồng Kông chứng kiến sự quay lại dần dần của các thương vụ lớn từ phía Trung Quốc đại lục trong năm nay. 

TraderHub

Trong khi đó các thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Edward Byun, Đồng-Giám-đốc thị trường vốn cổ phần tại châu Á (không có Nhật Bản) tại Goldman Sachs Group Inc., nhận định hoạt động khu vực trong 2024 sẽ có sự cân bằng tốt, và được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của Ấn Độ, và sự quan tâm ngày càng tăng đối với các thị trường như Hàn Quốc và Đông Nam Á. 


Dưới đây là một số sự kiện IPO mới, lớn nhất dự kiến tại châu Á trong năm 2024. 
 

1. Cainiao Smart Logistic Network

TraderHub

Cainiao Smart Logistic Network Ltd, là một đơn vị của tập đoàn công nghệ nặng ký Alibaba Group Holding Ltd, đã chính thức đã nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. 


Các chuyên gia trong ngành cho biết, động thái này sẽ đưa Cainiao trở thành đơn vị kinh doanh đầu tiên của Alibaba thực hiện IPO. Theo thông tin từ Alibaba, tập đoàn này đã chia thành sáu công ty kinh doanh nhỏ, mỗi công ty đều có khả năng huy động vốn bên ngoài và tìm kiếm IPO riêng, thể hiện sự tái quan trọng nhất trong lịch sử 24-năm của Alibaba. 


Được thành lập vào 2013 với mục đích xử lý công tác hậu cần và bưu kiện cho các thương nhân ở Trung Quốc và nước ngoài, Cainiao nêu trong bản cáo bạch rằng doanh thu của họ đã tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 23.2 tỷ CNY (~3.18 tỷ USD) trong quý 2/2023. So với báo cáo quý của các công ty trong nước, tốc độ tăng trưởng 25% của Cainiao là cao nhất trong ngành hậu cần. 


Theo bản cáo bạch được Cainiao đệ trình, CITIC Securities, Citibank và JPMorgan là ba ngân hàng đồng tài trợ cho đợt chào bán này. Công ty được kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 1 tỷ USD trong đợt ra mắt. 


2. Ola Electric Mobility

TraderHub

Ola Electric Mobility là một công ty thuần túy sản xuất xe máy điện ở Ấn Độ. Kể khi công bố sản phẩm lần đầu tiên vào tháng 08/2021, Ola Electric đã cho ra mắt 4 dòng sản phẩm, bao gồm: Ola S1 Pro (12/2021), Ola S1 (09/2022), Ola S1 Air (08/2023), Ola S1 X+ (12/2023). Công ty có kế hoạch bàn giao Ola S1 (2kWh và 3kWh) vào nửa đầu năm tài chính 2024. 


Ola Electric đã nộp Dự thảo Cáo bạch lên Ủy ban Sàn chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) vào ngày 22/12/2023. Đợt phát hành được đề xuất bao gồm việc phát hành cổ phiếu vốn mới với tổng giá trị lên tới 55 tỷ INR (~ 661.64 triệu USD), cùng Ưu đãi Chào bán (OFS) hơn 95 triệu cổ phiếu với mức giá 10 INR/cổ phiếu. Ngày đăng IPO vẫn chưa được tiết lộ, nhưng các báo cáo cho thấy sự kiện này có thể bắt đầu trong năm 2024. Giá cả chào bán và khung giá IPO đều chưa được tiết lộ.


Theo bản dự thảo, số tiền thu được từ đợt phát hành mới sẽ được phân bổ cho nhiều mục đích khác nhau: 


• 12.2 tỷ INR (~147.53 triệu USD) cho dự án Công nghệ Pin điện Gigafactory
• 16 tỷ INR (~192.48 triệu USD) cho đầu tư vào nghiên cứu và phát triển
• 3.5 tỷ INR (~42.1 triệu USD) cho các sáng kiến tăng trưởng tự thân và các mục đích chung của công ty 
• 8.0 tỷ INR (~96.2 triệu USD) để trả và trả trước các khoản nợ của Ola Electric Technologies (OET)


Các ngân hàng bảo lãnh chính cho lần IPO này gồm có: Kotak Mahindra Capital, Citigroup Global Markets India, BofA Securities India, Goldman Sachs (India) Securities, Axis Capital, ICICI Securities, SBI Capital Markets, and BOB Capital Markets. Link Intime được chỉ định là cơ quan theo dõi và lưu trữ. 


Ola Electric thực hiện các hoạt động R&D ở Ấn Độ, Vương quốc Anh, và Mỹ. Mục đích là tập trung vào thiết kế và phát triển các dòng sản phẩm xe điện và các bộ phận thiết yếu. Công ty cũng đang trong quá trình xây dựng trung tâm xe điện, Ola Futurefactory và Ola Gigafactory, ở 2 quận Krishnagiri và Dharmapuri, thuộc Tamil Nadu, Ấn Độ. Ngoài ra Ola Electric còn vận hành một Trung tâm Cải tiến Pin (BIC) tại Bengaluru, chuyên tập chung vào công nghệ và cải tiến pin điện. Công ty sở hữu một mạng lưới phân phối đa kênh trực-tiếp-đến-khách-hàng. Tính đến ngày 31/10/2023, số điểm phân phối đã bao gồm 935 trung tâm trải nghiệm, 414 trung tâm dịch vụ (410 trong số đó nằm trong các trung tâm trải nghiệm), được phân bổ rộng khắp trên Ấn Độ. 


3. Waaree Energies

TraderHub

Công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời hàng đầu Waaree Energies đã hoàn thiện hồ sơ gửi tới Ủy ban Sàn chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) để triển khai đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 3 tỷ INR (~36.09 triệu USD), đánh dấu tham vọng trở thành công ty đại chúng của họ.


Waaree Energies, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu huy động vốn để trang trải cho các kế hoạch mở rộng mạnh mẽ trong nước và quốc tế. Một phần đáng kể số tiền huy động được từ IPO sẽ được dùng để thành lập cơ sở sản xuất điện khổng lộ 6GW tại Odisha, thêm cả sản xuất phôi bán dẫn, pin mặt trời và mô-đun. Động thái này nhấn mạnh cam kết của Waaree trong việc tăng cường năng lực sản xuất năng lượng mặt trời của Ấn Độ và tận dụng sự thúc đẩy của chính phủ về năng lượng sạch. 


Đợt IPO này cũng bao gồm cả Ưu đãi Chào bán (OFS) khi các nhà đầu tư hiện hữu, bao gồm: Waaree Sustainable Finance Private Limited, Chandurkar Investments Private Limited, và Samir Surendra Shah, thực hiện thoái vốn tới 3.2 triệu cổ phiếu. 


Tham vọng IPO của Waaree Energies là kết quả của một loạt hoạt động tích cực. Trong tháng 12/2023 công ty đã công bố khoản đầu tư khổng lồ trị giá 1 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời đặt tại Texas, nhằm thâm nhập vào thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển của Mỹ. Cơ sở này với công suất khoảng 3GW vào cuối năm 2024, càng làm nổi bật tầm nhìn toàn cầu của Waaree. Hơn nữa, công ty đã nhận được khoản tài trợ 1 tỷ INR (~12.03 triệu USD) vào tháng 08/2023 từ ValueQuest, từ đó củng cố sức mạnh tài chính để phát triển trong tương lai. 


4. Syngenta Group

TraderHub

Syngenta Group, gã khổng lồ ngành nông nghiệp của Thụy Sĩ, được Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) do nhà nước đầu tư mua lại vào năm 2017 với giá 43 tỷ USD. Sau này được sáp nhập vào Sinochem Holdings, là kết quả của việc sáp nhập ChemChina và Sinochem Group vào năm 2021.  


Syngenta có kế hoạch thực hiện IPO trên StarMarket của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE). Tính đến nay, kế hoạch này đã kéo dài được gần 3 năm, nhưng vẫn chưa thành công do SSE đã từng từ chối hồ sơ IPO của công ty mà không có lý do. 


Tuy vậy, Syngenta vẫn đang cố gắng thực hiện một nỗ lực khác để được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải vào cuối năm 2024. Theo lời người phát ngôn, do điều kiện thị trường 2023 yếu kém, nên công ty hạt giống khổng lồ này đã buộc phải lùi lại thêm một năm. IPO vẫn là lựa chọn duy nhất để công ty thực hiện huy động vốn. Người phát ngôn từ chối bình luận về những lựa chọn thay thế khác, như phát hành cổ phiếu riêng lẻ.


Sinochem Holdings dự kiến sẽ giữ phần lớn cổ phần trong doanh nghiệp, số tiền huy động được sẽ đầu tư cho tăng trưởng tự thân, nghiên cứu và phát triển, cùng hoạt động mua lại. 


Thông tin cập nhật chỉ có khi Syngenta, đối thủ cạnh tranh với Corteva (Mỹ), BASF và Bayer (Đức), công bố báo cáo thu nhập quý 3 của mình. Doanh thu trong quý (kết thúc vào ngày 30/09) đã giảm 13% xuống còn 6.8 tỷ USD, trong khi Thu nhập trước lãi, thuế và khấu hao (EBITDA) giảm 68% xuống còn 300 triệu USD. Nguyên nhân sụt giảm là do nhu cầu ở Brazil, một trong những thị trường lớn nhất của Syngenta, suy yếu.


Đến bây giờ vẫn chưa rõ thời điểm mà đợt chào bán trị giá 65 tỷ CNY (~ 9.1 tỷ USD) sẽ có được đủ lời chấp thuận cần thiết để tiến về phía trước. 


5. Tokyo Metro

TraderHub

Tokyo Metro điều hành 9 tuyến tàu điện ngầm ở khu vực đô thị Tokyo, có thể sẽ tiến hành IPO sau khi được Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản chấp thuận với mức định giá khoảng 4.3 tỷ USD. 


Từ năm 2022, Chính phủ Nhật Bản đã chọn ra năm công ty môi giới để làm trưởng nhóm bảo lãnh phát hành cho Tokyo Metro, bao gồm 3 tổ chức trong nước là Nomura, Mizuho và Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, cùng 2 ngân hàng nước ngoài là Goldman Sachs và Bank of America. Trong đó Nomura, Mizuho và Goldman Sachs sẽ đảm nhiệm vai trò “điều phối viên toàn cầu”. 


Tuy đã có sự chỉ định ngân hàng bảo lãnh, nhưng Bộ Tài chính Nhật Bản cũng thừa nhận họ chưa xác định chính xác quy mô, thời gian, cũng như phương thức bán cổ phần. Nhưng luật cho phép chuyển nhượng yêu cầu việc bán cổ phiếu phải được hoàn tất trước tháng 04/2027. Thêm nữa, Chính phủ Nhật Bản được yêu cầu phải bán bớt cổ phần có tại công ty trước tháng 03/2028 để trả lại khoản nợ đã bán sau trận động đất và sóng thần năm 2011. 


Chính phủ Nhật Bản hiện sở hữu 53.4% cổ phần tại Metro Tokyo, phần còn lại thuộc về Chính quyền địa phương (metropolitan government) Tokyo. Cả hai chính quyền có kế hoạch hạ tổng mức nắm giữ của họ xuống còn 50%. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu mức định giá cho Tokyo Metro được 640 tỷ JPY (~4.3 tỷ USD), đợt IPO có thể huy động được được khoảng 300 tỷ JPY (~ 2.04 tỷ USD), và giá trị cổ phần của Chính phủ Nhật Bản tại công ty sẽ vào khoảng 170 tỷ JPY (~ 1.15 tỷ USD).


6. HD Hyundai Marine Solution (HD Hyundai Global Service)

TraderHub

HD Hyundai Marine Solution (trước đây là HD Hyundai Global Service) là một công ty con được đồng sở hữu của HD Huyndai Co. và công ty đầu tư tư nhân khổng lồ KKR. Công ty này được tách ra khỏi HD Huyndai Heavy Industries vào tháng 11/2016, chuyên sửa chữa, bảo trì, tân trang và cải tiến tàu biển. 


Công ty hiện đang được Sở giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc thẩm định sơ bộ với kế hoạch niêm yết trên sàn KOSPI trong nửa đầu năm 2024. Các chuyên gia thị trường dự đoán giá trị vốn hóa của HD Hyundai Marine Solution sau khi niêm yết có thể đạt được mức cao lịch sử, với giá trị dao động từ 3 - 4 nghìn tỷ KRW (~ 2.25 – 3 tỷ USD), khi công ty thực hiện chào bán khoảng 4.44 triệu cổ phiếu. Sự lạc quan này bắt nguồn từ sự tăng trưởng của công ty và những điều kiện thuận lợi trong ngành đóng tàu. 


Doanh thu năm 2022 của công ty đạt 1.33 nghìn tỷ KRW (~ 999.75 triệu USD), tăng 555% so với năm 2017 là thời điểm công ty đang trong giai đoạn kinh doanh non trẻ. Trong cùng thời gian đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty cũng tăng 260% lên 142 tỷ KRW (~ 106.5 triệu USD). Công ty được cho là sẽ có lợi nhuận cao hơn trong 2024 khi ngành đóng tàu bước vào siêu chu kỳ nhu cầu cao, và 58% số tàu có thời gian hoạt động trên 20 năm sẽ được sửa chữa hoặc thay thế bằng tàu mới. Nhu cầu về tàu biển tăng cao khi nhiều nước phát triển đang nỗ lực cho vận chuyển và thương mại thân thiện với môi trường, các con tàu mới đóng hoặc được cải tiến đều phải tuân theo chiến dịch này. 


Đất nước Hàn Quốc chưa từng tổ chức bất kỳ đợt IPO nào lớn hơn 1 tỷ USD kể từ đầu năm 2022. 
 

Hải Hà - theo vneconomy

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.