Ba Lý Do Gây Sốc Cho Cổ Đông Của Moderna Và BioNTech

Cổ phiếu của Moderna và BioNTech đang tăng lần lượt khoảng 80% và 100% từ đầu tháng Tư đến nay. Điều này xảy ra phần lớn là do ý kiến cho rằng những ai đã được tiêm vắc-xin sẽ cần tiêm nhắc lại hằng năm. Nhờ đó, doanh thu có thể sẽ tăng hàng tỷ đô la và tạo điều kiện tài chính thuận lợi để phát triển thuốc chữa trị những chứng bệnh khác.

Ba Lý Do Gây Sốc Cho Cổ Đông Của Moderna Và BioNTech
Vtrade_Admin

01:35, 02/07/2021

658

VIEW

Nhưng thông thường mọi suy đoán về tương lai đều khá sai lầm. Điều này đặc biệt đúng khi nói về đầu tư. Sau đây là ba lý do khiến các cổ đông có thể ngạc nhiên vì tiềm năng của việc tiêm vắc-xin nhắc lại. Chúng dẫn đến rủi ro lớn hơn là sự tăng trưởng gần đây có thể bốc hơi.

TraderHub

Nguồn: Getty Images.

1.CDC Vẫn Chưa Khuyên Tiêm Bổ Sung

Tuần trước, một ủy ban cố vấn của Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) kết luận rằng chứng cứ để tiêm vắc-xin bổ sung vẫn chưa tồn tại. Sau khi chỉ ra các nguy cơ biến chứng tim mạch cực kỳ hiếm xảy ra đối với những người đã tiêm vắc-xin, họ cũng nói rằng sẽ theo dõi sát sao chứng cứ.

Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư theo dõi hướng dẫn tài chính của các giám đốc điều hành của hai công ty. Stéphane Bancel của Moderna đã nói từ cuối tháng Tư rằng mũi nhắc lại sẽ cần thiết trong mùa Thu. Chỉ trong cuối tuần vừa qua, ông nhắc lại rằng thị trường cho mũi vắc-xin bổ sung còn lớn hơn ông từng nghĩ.

Mặc dù Albert Bourla, giám đốc điều hành của Pfizer (NYSE:PFE) khá ủng hộ việc tiêm nhắc lại, người đứng đầu công ty đối tác BioNTech tỏ ra thận trọng hơn. Trong báo cáo thu nhập quý I của công ty, Uğur Şahin nói ông tự tin rằng mũi tiêm bổ sung là cần thiết nhưng không nói về thời điểm cụ thể.

Giám đốc y tế của công ty cũng tỏ ra không chắc chắn, nói rằng mũi tiêm bổ sung sẽ có giá trị, nhưng thời điểm và kế hoạch triển khai sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan quản lý. Thái độ né tránh các vấn đề không liên quan đến khoa học cùng với những phát ngôn thận trọng tiếp tục cho thấy sự khác biệt giữa đội ngũ BioNTech và các đối tác có đầu óc quảng cáo hơn.

2.Sự Miễn Dịch Sẽ Tồn Tại Nhiều Năm

Một nghiên cứu vừa được công bố trong tuần này có vẻ như ủng hộ thái độ do dự của CDC. Nghiên cứu đã được thẩm định này tập trung vào các chứng cứ về khả năng bảo vệ của dịch cơ thể - còn được gọi là phản ứng miễn dịch dịch thể (humoral immune response) - của các cá nhân đã tiêm vắc-xin. Các nhà nghiên cứu xem xét cả máu ngoại vi (peripheral blood) và các hạch bạch huyết (lymph nodes) tiết ra. Hạch bạch huyết đặc biệt được chú trọng. Đó là nơi tế bào miễn dịch được hình thành để nhận ra và chiến đấu với các virus trong cơ thể về lâu dài.

Kết quả là những tế bào này không chỉ xuất hiện 15 tuần sau mũi vắc-xin đầu tiên, mà cơ quan phát triển các tế bào miễn dịch vẫn hoạt động rất tích cực. Khả năng nhận ra virus của các tế bào không hề bị giảm. Thông thường những cơ quan phòng vệ này hoạt động tích cực nhất trong khoảng một đến hai tuần sau khi tiêm vắc-xin và giảm dần theo thời gian. 

Mặc dù nghiên cứu hạch bạch huyết chỉ diễn ra trên 14 người, khả năng bảo vệ tồn tại trên tất cả các đối tượng được nghiên cứu. Điều này đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về nhu cầu tiêm mũi nhắc lại để duy trì khả năng chống lại virus SARS-CoV-2. Khi virus đột biến, các tế bào miễn dịch sản xuất ra kháng thể dường như vẫn đủ khả năng để chống lại biến chủng mới. 

3.Chỉ Có Biến Chủng Mới Thúc Đẩy Nhu Cầu Tiêm Nhắc Lại

Ít nhất một chuyên gia đã thẩm định lại nghiên cứu và kết luận rằng nhu cầu tiêm bổ sung sẽ xuất hiện sau khi virus tiếp tục đột biến, chứ không phải vì hệ miễn dịch giảm. Mặc dù các virus RNA như SARS-CoV-2 dường như đột biến liên tục, coronavirus không thay đổi nhanh như vậy. Các nhà khoa học đã nói rằng tốc độ thay đổi của nó bằng khoảng 1/4 tốc độ của HIV và khoảng một nửa tốc độ của virus cúm.

Quá trình này có thể xảy ra chậm rãi, nhưng vẫn có bằng chứng cho thấy virus đang thay đổi đủ để tác động đến hiệu quả của vắc-xin. So sánh mức độ hiệu quả của các vắc-xin mRNA so với dữ liệu truyền nhiễm của các biến thể sẽ làm rõ điều này hơn. Các nghiên cứu về những biến thể khác nhau của virus đều cho thấy mức độ bảo vệ khoảng 70%-90%. Đây có lẽ là mức giảm đáng kể, nhưng rõ ràng là không đủ để CDC duyệt mũi vắc-xin bổ sung.

Đến nay, cổ phiếu vẫn chưa phản ứng nhiều với tin tức này. Có lẽ phố Wall vẫn đang trông chờ vào sự lây lan của các biến thể và kỳ vọng được bảo vệ 90% để thúc đẩy nhu cầu tiêm bổ sung. Cũng có thể là các nhà đầu tư đang tập trung vào tiềm năng dài hạn của nền tảng mRNA và bỏ qua sự bất ổn ngắn hạn này. Dù lý do là gì, mọi thứ sẽ rõ ràng vào mùa thu năm nay. Dựa trên hướng dẫn mới nhất của CDC, cổ đông không nên ngạc nhiên nếu số lượng mũi tiêm nhắc lại thấp hơn nhiều so với dự đoán của chuyên gia. Nếu điều này xảy ra, mức định giá khả quan của cổ phiếu sẽ có thể giảm mạnh.

Thiên Thi - Theo fool.com

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.