Nên mua Airbnb hay Shopify?

Những công ty tăng trưởng với tốc độ siêu tốc này mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội hiếm có tạo ra nguồn tài chính vững mạnh trong dài hạn.

Nên mua Airbnb hay Shopify?
Vtrade_Admin

02:53, 18/11/2021

582

VIEW

Những công ty tăng trưởng với tốc độ siêu tốc này mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội hiếm có tạo ra nguồn tài chính vững mạnh trong dài hạn.

Những ý chính trong bài

• Airbnb đang phá vỡ quan niệm trước đây của chúng ta về những kỳ nghỉ ngắn ngày.

• Shopify đang mở đường cho thế hệ doanh nhân mới.

Sự bất ổn định do đại dịch gây ra có ảnh hưởng như nhau đối với Airbnb (NASDAQ: ABNB) và Shopify (NYSE: SHOP) mặc dù thách thức mà hai công ty này phải đối mặt là khác nhau. Nền kinh tế mở cửa trở lại đã cải thiện điều kiện kinh doanh cho cả hai và cho đến thời điểm hiện tại năm nay, Shopify đã tăng 47% so với mức tăng 40% của Airbnb.

Cổ phiếu hai công ty này được định vị là những cổ phiếu tăng trưởng đáng sở hữu trong dài hạn. Airbnb đang mở rộng định nghĩa về dịch vụ “cho thuê nhà và phòng” cho ngành dịch vụ khách sạn - du lịch và Shopify đang cung cấp các công cụ mà các doanh nhân có thể sử dụng để thiết lập và phát triển doanh nghiệp của họ. Vì vậy, cả hai cổ phiếu đều sẽ giúp tăng đáng kể tính đa dạng của danh mục đầu tư của bạn trong những năm tới. Tuy nhiên, có một cổ phiếu được tin là đáng mua hơn cổ phiếu còn lại.

TraderHub
Nguồn: Getty Images.

Airbnb: Cổ phiếu tăng trưởng thuộc “nền kinh tế gig” này đã trở nên quen thuộc với nhà đầu tư

Mô hình kinh doanh của Airbnb rất đơn giản đó là kết nối những người muốn đi xa và cần một nơi để ở với những người có sẵn nhà, phòng hoặc một số loại hình chỗ ở khác để cho thuê. Về cơ bản, Airbnb mở rộng nền kinh tế gig sang lĩnh vực nhà ở và du lịch (nền kinh tế gig là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian). Mặc dù hoạt động của Airbnb – công ty về dịch vụ cho thuê chỗ ở phục vụ kỳ nghỉ ngắn ngày đã bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch nhưng công ty vẫn kết thúc năm 2020 với khoảng 5,6 triệu nơi lưu trú đăng ký và danh sách đang hoạt động cũng đã tăng lên từng quý cho đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Trong khi khu vực Bắc Mỹ chứng kiến ​​mức tăng trưởng 10% trong quý 3 thì con số này ở khu vực Mỹ Latinh thậm chí còn lớn hơn với mức tăng 25% so với năm ngoái.

Đây là một ngành dịch vụ vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Với hơn 130 triệu hộ gia đình ở Hoa Kỳ và khoảng 1 tỷ người trên toàn cầu, Airbnb còn rất nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Công ty đã tạo ra thu nhập cho những người là chủ nhà cho thuê - họ đã kiếm được thu nhập kỷ lục 12,8 tỷ đô la qua Airbnb, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị đặt phòng (GBV) hay có thể hiểu là tổng chi phí lưu trú của khách, bao gồm phí dọn dẹp và các phí khác, tăng 48% lên 11,9 tỷ đô la so với năm ngoái và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019. Airbnb kiếm tiền từ phí dịch vụ được tính cho các chủ nhà. Nó mang lại cho công ty doanh thu 2,2 tỷ đô la trong quý vừa qua. Con số này cao hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 36% so với cùng kỳ hai năm trước. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận của công ty cũng tăng lên.

Không giống như mô hình khách sạn mà công ty đang cạnh tranh, mô hình kinh doanh “ít sở hữu tài sản” của Airbnb giúp tăng lợi nhuận cho công ty vì họ không cần phải chi tiền xây dựng hoặc bảo trì các công trình lưu trú đắt tiền. Tỷ suất lợi nhuận EBITDA điều chỉnh trong quý vừa qua là 49%. Đây là tỷ suất lợi nhuận tốt nhất từ ​​trước đến nay và lớn hơn 30% so với năm 2019. Đại dịch khiến doanh thu của Airbnb giảm 30% trong năm tài chính 2020, nhưng nó đã tăng trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều này cho thấy sức mạnh trường tồn của mô hình kinh doanh này. Khi công ty mở rộng sang phục vụ các đợt lưu trú dài hạn thì tầm nhìn của công ty sẽ mở rộng hơn nữa với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn trong tương lai.

TraderHub
Nguồn: Getty Images.

Shopify: Liệu đây sẽ là công ty tiếp theo đạt giá trị 1 nghìn tỷ đô la?

Khi tìm kiếm một cổ phiếu có sự kết hợp hoàn hảo giữa tính ổn định và cơ hội tăng trưởng, có lẽ không có cổ phiếu nào khác tốt hơn Shopify. Công ty cung cấp nhiều giải pháp đa dạng để giúp mọi người có thể khởi chạy, phát triển và quản lý doanh nghiệp của mình. Nó có thể giúp một thương nhân thiết lập cửa hàng trực tuyến của riêng họ, xử lý các khoản thanh toán khi cửa hàng phát triển và giúp họ quản lý nhiều giao diện cửa hàng khi họ mở rộng kinh doanh. Shopify có các công cụ cho mọi thứ mà một doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ có thể cần. Và bây giờ, nó có các giải pháp cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Hiện tại, giải pháp toàn diện áp dụng rộng rãi của công ty đã thu hút hơn 1,7 triệu doanh nghiệp tham gia vào nền tảng. Nhờ đó, công ty đã chiếm được 9% thị phần trong tổng doanh số thương mại điện tử năm 2020 của Hoa Kỳ.

Ấn tượng hơn là 1,7 triệu doanh nghiệp này đã tạo ra tổng khối lượng hàng hóa (GMV) tích lũy trên 400 tỷ đô la và Shopify thu về một phần của số này. Doanh thu quý 3 từ tỷ lệ chiết khấu tính trên GMV là 788 triệu đô la và từ thu phí đăng ký là 336 triệu đô la. Các gói đăng ký có mức giá từ thấp nhất là 30 đô la đến cao nhất lên đến 2.000 đô la. Giá này cho thấy Shpify có thể cung cấp số lượng lớn các công cụ cho các doanh nghiệp lớn hơn. Nhờ vậy, công ty đạt doanh thu quý 3 là 1,2 tỷ đô la - tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái - và thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 9,18 đô la, so với 1,59 đô la một năm trước.

Cổ phiếu Shopify hiện giao dịch ở mức giá gấp 50 lần doanh thu và gấp 62 lần lợi nhuận. Tuy nhiên, thị phần hiện tại và khả năng ứng dụng rộng rãi kết hợp với tiềm năng trong tương lai của công ty khiến nó xứng đáng với mức giá cao hơn. Điểm sáng trong tương lai của công ty là mạng lưới giao hàng Shopify (SFN). Hoạt động mục tiêu của SFN là lấy, đóng gói và gửi hàng cho các đơn đặt hàng của người bán để họ có thể dành nhiều thời gian hơn để quản lý công việc kinh doanh của riêng mình. Hoạt động này có thể mang lại một lượng lớn dữ liệu có tiềm năng hỗ trợ chuyển đổi tự động hóa, giúp tăng hiệu quả và tạo cơ hội gần như vô hạn cho Shopify. Sự phát triển của Shopify vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và trong tương lai công ty này có thể sẽ trở thành một công ty trị giá 1 nghìn tỷ đô la.

TraderHub
Nguồn: Getty Images.

Cổ phiếu nào đáng mua hơn?

Khi đứng trước sự lựa chọn giữa Airbnb và Shopify, các nhà đầu tư thật may mắn khi có hai lựa chọn đều là hai công ty xuất sắc với tương lai tươi sáng ở phía trước. Tuy nhiên, nếu buộc phải lựa chọn một công ty thì có lẽ Shopify sẽ được ưu ái hơn một chút vì Airbnb có đối thủ là những gã khổng lồ ngành khách sạn như Marriott và Hilton – những công ty luôn tích cực chống lại sự mở rộng của nền tảng này. Bên cạnh đó, Airbnb còn bị vướng vào các quy định bắt buộc ở một số thị trường nên hoạt động của nó có thể bị giới hạn hơn so với Shopify. Mặc dù vậy, những hạn chế của Airbnb được cho là không đủ nghiêm trọng để cản trở sự phát triển của công ty.

Hậu Dương - Theo fool.com

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.