Bàn về lạm phát: các ngân hàng trung ương đã quên mất bài học kinh tế vỡ lòng

Biểu đồ cung và cầu là bài học đầu tiên trong chương đầu tiên của bất kỳ cuốn sách giáo khoa kinh tế nào; và chúng là cơ sở hình thành nên tất cả các lý thuyết kinh tế. Từ phía cầu của phương trình, quy luật rất đơn giản: Khi giá tăng lên, người mua sẽ ít có khả năng mua một sản phẩm hơn.

Bàn về lạm phát: các ngân hàng trung ương đã quên mất bài học kinh tế vỡ lòng
Vtrade_Admin

08:25, 10/02/2022

380

VIEW

Biểu đồ cung và cầu là bài học đầu tiên trong chương đầu tiên của bất kỳ cuốn sách giáo khoa kinh tế nào; và chúng là cơ sở hình thành nên tất cả các lý thuyết kinh tế. Từ phía cầu của phương trình, quy luật rất đơn giản: Khi giá tăng lên, người mua sẽ ít có khả năng mua một sản phẩm hơn.

 

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới dường như đã quên mất bài học vỡ lòng trong kinh tế học. Các ngân hàng trung ương toàn cầu, vì những lý do có thể không mấy liên quan đến kinh tế mà liên quan nhiều hơn đến việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách, đã xác định rằng một số lạm phát là “tốt” và xem mục tiêu lạm phát khoảng 2% là tối ưu.

Họ đã kiên trì với chiến lược này trong hơn một thập kỷ. Những động lực giảm phát trên toàn cầu, dẫn đầu bởi các ứng dụng của Internet và sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất chi phí thấp ở Trung Quốc, đã bù đắp cho áp lực lạm phát từ việc in tiền của các ngân hàng trung ương. Bất kể các ngân hàng này cố gắng tạo ra lạm phát như thế nào, các nhà bán lẻ trực tuyến - được hỗ trợ bởi hàng triệu công nhân chi phí thấp trên toàn cầu - đã luôn ở đó để hạ giá cả xuống thấp hơn.

Nhưng một số điều đã thay đổi trong những năm gần đây. Đầu tiên, đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cái cớ mà nhiều ngân hàng trung ương sử dụng để bỏ qua nỗi lo lạm phát. Họ cho rằng vấn đề chỉ là “nhất thời”; chẳng bao lâu nữa tất cả lạm phát sẽ biến mất.

Các tiến triển khác cũng đã bắt đầu có tác động. Ví dụ, Hoa Kỳ đã có lập trường khắc nghiệt hơn nhiều đối với thâm hụt thương mại lâu năm trong quan hệ với Trung Quốc. Thuế quan đã được áp dụng bất cứ nơi nào có thể. Các công ty đã buộc phải tìm kiếm các nguồn thay thế.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thay đổi. Trung Quốc đang dần từ bỏ các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, làm sụt giảm nguồn cung của một số mặt hàng. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa lực lượng lao động của Trung Quốc hiện đã gần như bão hòa. Nguồn cung lao động nông thôn chi phí thấp đã không còn nhiều nữa. Trên thực tế, dân số Trung Quốc cũng đang già đi đáng kể. Khi quy mô tương đối của lực lượng lao động giảm xuống, tiền lương phải tăng lên để giữ cho người lao động không đi tìm việc làm mới. Một lần nữa, chúng ta thấy các lực cơ bản của cung và cầu đang diễn ra ở đây. Xu hướng nhân khẩu học đã từng là một lập luận ủng hộ giảm phát; nhưng ở Trung Quốc, điều ngược lại có thể đang xảy ra.

Bàn về lạm phát: các ngân hàng trung ương đã quên mất bài học kinh tế vỡ lòng - hình 1

Tuy nhiên, sự thay đổi lớn trong động lực lạm phát có thể là Internet, một nhân tố đã giết chết cạnh tranh truyền thống. Nhiều năm về trước, Internet là nguồn gốc của mọi cạnh tranh về giá cả. Giờ đây, nhiều nhà bán lẻ khối lượng lớn tại các trung tâm thương mại địa phương đã ngừng kinh doanh, để lại những tòa nhà trống rỗng.

Các nhà bán lẻ trực tuyến hiện nhận thấy rằng khách hàng của họ đang trở nên ít nhạy cảm hơn với giá cả. Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và người ta đang sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được sự thuận tiện. Một phần của xu hướng này có thể được xem như một sự điều chỉnh tích cực trong chất lượng hưởng trụ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại cốt lõi của vấn đề, giá cả cao hơn sẽ đồng nghĩa với lạm phát cao hơn.

Các chủ ngân hàng trung ương muốn bạn tin rằng họ có thể dễ dàng giải quyết vấn đề: Tất cả những gì họ phải làm là tăng lãi suất và lạm phát sẽ giảm xuống! Tuy nhiên, một chiến lược như vậy không giải quyết được thiệt hại có thể gây ra cho cái gọi là bong bóng của mọi thứ. Bằng cách in quá nhiều tiền - và cố ý nhắm vào mức lạm phát cao hơn - giá trị tài sản toàn cầu đã tăng cao hơn.

Một ví dụ điển hình là việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ mua các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Trong năm 2021, Fed đã mua khoảng 40 tỷ USD mỗi tháng các công cụ tài chính này với tổng số tiền lên đến 470 tỷ USD. (Fed đã giảm mức mua xuống còn 30 tỷ USD vào tháng 12 năm 2021). Toàn bộ thị trường nhà mới xây chỉ có giá trị 346 tỷ USD (762.000 ngôi nhà đã được bán trong năm 2021 với giá trung bình 453.700 USD). Điều này có nghĩa là, về cơ bản, Fed đã hỗ trợ cho toàn bộ thị trường nhà mới và cộng thêm 36% nữa.

 

Đó là một tin tuyệt vời nếu bạn là chủ nhà. Giá nhà đang tăng 18-20% trên toàn nước Mỹ và bạn đã làm ăn khá tốt với hỗ trợ của Fed. Nhưng chúng ta hãy nghĩ về điều này từ góc độ của người mua nhà lần đầu. Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tiền lương bình quân chỉ tăng 5,7%. Điều đó có nghĩa là thu nhập “thực” được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm đến 1,4%. Chúc bạn may mắn nếu bạn đang tiết kiệm để mua căn nhà đầu tiên khi thu nhập của bạn giảm xuống trên cơ sở giá “thực” và giá nhà đang tăng nhanh hơn bất kỳ đợt tăng lương nào mà bạn sẽ nhận được.

Liệu chúng ta có nên có một xã hội mà những người “có của” được hỗ trợ bởi Fed về mặt thể chế và tất cả những người khác phải sống trong một khu chung cư do một quỹ đầu cơ sở hữu? Những chính sách này chắc chắn sẽ có thể dẫn đến bất ổn xã hội.

Đối với những người vẫn tin vào câu chuyện lạm phát “tạm thời” của Fed, hãy xem qua công việc của các nhà nghiên cứu của chính cơ quan này. Theo hai nhà kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, chi phí thuê nhà sẽ tăng lên và mức tăng hàng năm có thể sẽ lên đến 6,9% vào cuối năm 2023. Từ “tạm thời” chắc chắn sẽ có ý nghĩa mới nếu giá thuê nhà tiếp tục tăng với tốc độ nhanh chóng như vậy trong hai năm tới.

 

Chi phí thuê nhà tăng lên sẽ kéo theo giá nhà cao hơn. Chủ nhà có một sự lựa chọn đơn giản: bán nhà của họ với giá cao hơn, hoặc tăng tiền thuê nhà để thỏa mãn sự đánh đổi. Giá thuê tăng lên, hoặc nhà bị bán ồ ạt trên thị trường. Một lần nữa, đây chính là tiền đề cơ bản của cung và cầu.

Vấn đề là sự bóp méo gây ra bởi ngân hàng trung ương đã vượt xa thị trường nhà đất ở Hoa Kỳ. Đường cong lợi suất của mọi quốc gia trên toàn cầu đã bị thay đổi do các động thái mua tài sản của các ngân hàng trung ương. Các chính sách này đã giúp các quốc gia khắc phục thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế thu nhập đi kèm với lạm phát, đồng thời giảm chi phí lãi vay xuống thấp hơn. Lạm phát tài sản cũng đã giúp tăng khả năng thanh toán cho nguồn lương hưu đang thiếu hụt. Và đừng quên rằng lãi suất thấp sẽ thúc đẩy đầu cơ quá mức trên thị trường chứng khoán và tiền điện tử. Các ngân hàng trung ương sẽ không thể cắt giảm bảng cân đối kế toán của họ mà không để lại bất kỳ hậu quả nào.

Nói tóm lại, sẽ rất khó để các ngân hàng trung ương tạo ra một chuyến hạ cánh nhẹ nhàng với những sai lệch mà các chính sách của họ đã tạo ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể dễ dàng tưởng tượng ra cảnh các chủ ngân hàng đơn giản là đổ lỗi mọi thứ cho các chủ nhà tham lam khi thời cơ đến.

 

Huân Hà - Theo barrons.com

Đọc thêm: Đồng tiền nào sẽ vượt Ethereum trước: Solana hay Cardano?

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.