Chốt phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, thị trường dầu thế giới hồi phục trước những lo ngại về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu. Diễn biến thị trường đã hỗ trợ nỗ lực của các nhà sản xuất lớn OPEC trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
06:37, 22/09/2021
Chốt phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, thị trường dầu thế giới hồi phục trước những lo ngại về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu. Diễn biến thị trường đã hỗ trợ nỗ lực của các nhà sản xuất lớn OPEC trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Dầu thô Brent nhích nhẹ 44 xu ở mức 74,36 USD / thùng, sau khi giảm gần 2% phiên đầu tuần.
Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 11 tăng 35 xu / thùng lên 70,49 USD.
Trước đó, dầu Brent và dầu WTI giao tháng 11 đạt mức cao nhất trong phiên lần lượt là 75,18 USD / thùng và 71,48 USD / thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của nhóm Price Futures ở Chicago cho biết: “Có vẻ như đây là một phiên giao dịch rất căng thẳng trong ngày hôm nay. Thị trường xuất hiện tâm lý lo lắng về tác động tiềm tàng của nhu cầu trong tương lai."
Hãng thông tấn TASS cho biết Nga tin rằng nhu cầu dầu toàn cầu khó có thể phục hồi trở lại mức đỉnh năm 2019, trước đại dịch, khi cán cân năng lượng thay đổi.
Cuộc khủng hoảng nợ mang tên EverGrande của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư trên các tài sản tài chính một phen “rung chuyển”, Thêm vào đó là các thị trường đầy rủi ro như như cổ phiếu cũng không nằm ngoài đợt sóng này.
Nishant Bhushan, nhà phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy cho biết: “Các nhà đầu tư lo ngại rằng điều này có thể gây ra hiệu ứng domino trong các công ty đang ôm những khoản nợ lớn tại Trung Quốc và làm giảm giá hàng hóa và cổ phiếu. Tuy nhiên, do tất cả các ngân hàng và tổ chức cho vay lớn của Trung Quốc đều do chính phủ kiểm soát. Vậy nên, đây vẫn là tia hy vọng cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sớm vượt qua đợt khó khăn này.”
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED dự kiến sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, và đã bắt đầu nhóm họp hôm Thứ Ba.
Sản lượng dầu của Mỹ vẫn đang phục hồi sau hai cơn bão lớn là Ida và Nicolas. Royal Dutch Shell (RDSa.L), nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Vịnh Mexico cho biết thiệt hại đối với các cơ sở vận chuyển ngoài khơi sau bão Ida dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng vào đầu năm tới.
Theo thống kê, khoảng 18% lượng dầu và 27% sản lượng khí đốt tự nhiên của vùng Vịnh của Mỹ vẫn trong tình trạng gián đoạn hơn 3 tuần sau ảnh hưởng của bão.
Theo uớc tính, dự trữ dầu thô giảm 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17 tháng 9. Dự trữ xăng giảm 432.000 thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2,7 triệu thùng.
Dữ liệu chính thức của chính phủ Mỹ sẽ công bố trong thứ Tư, theo giờ địa phương
Hoa Nguyễn - Theo reuters.com