Đăng kíĐăng Nhập

Điểm Khác Nhau Giữa Các Cổ Phiếu Hạng A, B, C

Trần Minh

04:14, 01/03/2022

456

VIEW

Nội Dung

 

Không phải cổ phiếu nào của các tập đoàn đại chúng cũng được tạo ra giống nhau. Một số cổ phiếu (còn được gọi là cổ phần hoặc vốn cổ phần) mang lại cho người sở hữu chúng lợi nhuận hoặc quyền biểu quyết lớn hơn so với người sở hữu các hạng cổ phiếu khác. Chủ sở hữu của một công ty có thể tạo ra bất kỳ số lượng và hạng cổ phiếu nào mà họ thấy phù hợp. Không phải luật hay tòa án mà chính điều lệ công ty mới là yếu tố xác định sự khác biệt giữa các hạng cổ phiếu, thường được chỉ định là hạng A, B và C.

 

 

Hiểu được sự khác biệt giữa các hạng cổ phiếu khác nhau có thể giúp nhà đầu tư đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hơn khi mua cổ phiếu.

 

Các hạng cổ phiếu là gì?

 

Các hạng cổ phiếu là một cách để cung cấp cho các cổ đông khác nhau những quyền khác nhau. Hạng cổ phiếu có thể quyết định các vấn đề như quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức, cũng như quyền đối với tài sản và vốn của công ty.

 

Ví dụ, một công ty có thể phát hành cổ phiếu phổ thông với một phiếu biểu quyết trên mỗi cổ phiếu, được chỉ định là cổ phiếu hạng A; sau đó phát hành cổ phiếu điều hành với 100 phiếu biểu quyết trên mỗi cổ phiếu, được chỉ định là cổ phiếu hạng B.

 

Hội đồng quản trị của một công ty có thể đặt ra các hạng cổ phiếu khác nhau vì nhiều lý do. Một trong những lý do phổ biến nhất cho việc này là để duy trì quyền quản trị công ty trong tay một số ít người bằng cách phân phối các quyền biểu quyết khác nhau cho các cổ đông khác nhau. Để hiểu thêm về vấn đề này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu được bản chất của cổ phiếu.

 

Tại sao lại có nhiều hạng cổ phiếu khác nhau

 

Khi một công ty phát hành cổ phiếu, họ đang huy động vốn bằng cách bán một phần quyền sở hữu công ty cho riêng cho một nhóm nhỏ các chủ sở hữu tiềm năng hoặc cho mọi người trên thị trường đại chúng.

 

Nếu không có thỏa thuận nào khác, các cổ đông của một công ty sở hữu một tỷ lệ phần trăm trong tổng tài sản và lợi nhuận của công ty đó. Mỗi cá nhân cũng có quyền biểu quyết tương ứng với số cổ phần mà họ nắm giữ.

 

Như một ví dụ giả định, Grow Co. chọn bán 25% tổng quyền sở hữu của mình. Công ty có thể phát hành 50 cổ phiếu cho 25% quyền sở hữu này. Như vậy, mỗi cổ phiếu Grow Co. sẽ mang lại quyền sở hữu 0,5% trong toàn bộ công ty. (Đây là một ví dụ đã được đơn giản hóa. Trên thực tế, các công ty thường phát hành hàng triệu cổ phiếu trong mỗi đợt huy động vốn.)

 

Các công ty bán cổ phiếu để huy động vốn từ nhà đầu tư, nhưng khi làm như vậy, họ cũng bán quyền quản trị và tài sản của mình ra thị trường. Nhiều công ty, nếu không muốn nói là hầu hết các công ty, đều chấp nhận rủi ro này hoặc giảm thiểu nó bằng cách hạn chế số lượng cổ phiếu họ phát hành. Tuy nhiên, một số công ty lại đối phó với rủi ro này bằng cách định nghĩa các hạng cổ phiếu khác nhau để đảm bảo rằng quyền biểu quyết vẫn nằm trong tay của một nhóm người cụ thể.

 

Cách xác định các hạng cổ phiếu

 

Có lẽ điều quan trọng nhất cần hiểu về các hạng cổ phiếu là: các công ty thiết lập phân loại cổ phiếu theo ý họ.

 

Khi một công ty phát hành cổ phiếu hạng A và hạng B, họ có thể định nghĩa những cổ phiếu này gần như hoàn toàn theo ý mình. Công ty có thể cấp cho các cổ phiếu hạng B ba phiếu bầu cho mỗi cổ phiếu hoặc có thể cấp cho các cổ phiếu hạng A một nửa khoản cổ tức họ trả cho mỗi cổ phiếu hạng B. Miễn là các định nghĩa không vi phạm quyền hợp pháp của cổ đông, công ty luôn có thể đặt ra các điều khoản này theo ý mình.

 

Các công ty xác định các hạng cổ phiếu trong điều lệ công ty. Họ thường làm như vậy khi mới bắt đầu phát hành cổ phiếu, nhưng sau đó họ cũng có thể sửa đổi điều lệ của mình để thay đổi các định nghĩa này. Công ty không thể thay đổi định nghĩa về cổ phiếu đang được nắm giữ bởi các cổ đông hiện hữu nhưng có thể định nghĩa các cổ phiếu mới khi phát hành chúng.

 

Các phân loại chung

 

Có một số quyền phổ biến mà các công ty sẽ cấp hoặc hạn chế khi họ phân loại cổ phiếu. Các quyền đó bao gồm:

 

  • Cổ phiếu không biểu quyết - chủ sở hữu cổ phiếu không có quyền biểu quyết trong việc quản trị công ty.
  • Cổ phiếu phổ thông/thông thường - chủ sở hữu cổ phiếu thường có một phiếu biểu quyết duy nhất cho mỗi cổ phiếu họ nắm giữ. Cổ đông cũng có quyền nhận các khoản thanh toán cổ tức và tài sản của công ty nhưng không được ưu tiên.
  • Cổ phiếu điều hành - chủ sở hữu có quyền biểu quyết ưu tiên và thường có nhiều phiếu biểu quyết cho mỗi cổ phiếu. Công ty thường phát hành những cổ phiếu này để đảm bảo rằng các giám đốc và chủ sở hữu giữ quyền kiểm soát công ty ngay cả sau khi phát hành cổ phiếu của họ ra thị trường đại chúng.
  • Cổ phiếu ưu đãi - những cổ phiếu này trả một số tiền cổ tức định kỳ được chỉ định trong những khoảng thời gian xác định trước. Khoản cổ tức trả cho cổ phiếu ưu đãi thường lớn hơn cổ tức trả cho cổ phiếu phổ thông. Họ cũng có thể được ưu tiên nhận cổ tức của mình trước các cổ đông khác, có nghĩa là nếu công ty có một số tiền hạn chế để phân phối, các cổ đông ưu đãi sẽ được đảm bảo thanh toán nhưng các cổ đông khác thì không. Cuối cùng, các cổ đông ưu đãi có thể có quyền ưu tiên khi phân phối tài sản của công ty sau khi ngừng hoạt động. Các cổ phiếu ưu đãi thường không trao bất kỳ quyền biểu quyết nào cho người sở hữu chúng.
  • Cổ phiếu trả chậm - cổ phiếu trái ngược với cổ phiếu ưu đãi. Cổ đông có thể nhận được một khoản cổ tức nhỏ hơn và được trả sau cùng trong quá trình phân phối cổ tức và tài sản của công ty. Ví dụ: nếu công ty trả cổ tức nhưng không có đủ tiền để trả cho mọi cổ đông thì các cổ đông trả chậm sẽ không được nhận khoản thanh toán.

Giá trị của các cổ phiếu khác nhau là khác nhau. Ví dụ, cổ phiếu trả chậm trả khoản thanh toán cổ tức nhỏ hơn và ít thường xuyên hơn. Do đó, chúng thường có giá thấp hơn so với cổ phiếu phổ thông. Các cổ phiếu không biểu quyết mang lại ít quyền kiểm soát hơn đối với việc quản trị công ty, nhưng đối với một nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận tài chính, điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đến giá trị của cổ phiếu.

 

Xác định quyền của cổ đông

 

Các công ty thường phát hành các loại cổ phiếu khác nhau để thực hiện một hoặc cả hai điều sau:

 

  • Xác định ai có quyền biểu quyết đối với công ty và đảm bảo rằng các chủ sở hữu hiện tại có thể giữ quyền kiểm soát công ty mặc dù đã bán một phần quyền sở hữu công ty trên thị trường đại chúng;
  • Xác định xem ai là người đầu tiên được phân phối lợi nhuận và tài sản của công ty.

Như đã thảo luận ở trên, một công ty định nghĩa phân loại cổ phiếu theo quyết định của riêng họ. Điều này có nghĩa là họ có thể xác định số lượng hạng cổ phiếu được tạo ra và định nghĩa của từng hạng. Các công ty có xác định các hạng cổ phiếu thường sẽ tạo ra hai hoặc ba hạng. Ví dụ, một danh sách các hạng cổ phiếu có thể trông như sau:

 

  • Hạng A, cổ phiếu phổ thông - mỗi cổ phiếu đi kèm với một phiếu biểu quyết và quyền được phân phối cổ tức và tài sản không có ưu tiên.
  • Hạng B, cổ phiếu ưu đãi - mỗi cổ phiếu đi kèm với một phiếu biểu quyết, nhưng các cổ đông nhận được 2 USD cổ tức cho mỗi 1 USD được phân phối cho các cổ đông hạng A. Loại cổ phiếu này được ưu tiên phân phối cổ tức và tài sản.
  • Hạng C, cổ phiếu điều hành - mỗi cổ phiếu đi kèm 100 phiếu biểu quyết. Cổ đông sẽ nhận được quyền được phân phối cổ tức và tài sản không có ưu tiên.

Ở đây, công ty của chúng ta đã chọn tạo ra ba hạng cổ phiếu. Cổ phiếu hạng A dành cho các nhà đầu tư trung bình và do đó, là cổ phiếu thông thường, không có giới hạn hoặc đặc quyền đặc biệt. Cổ phiếu hạng B có thể được dành cho các nhà đầu tư ban đầu khi công ty mới thành lập. Bằng cách cung cấp các phần thưởng tài chính lớn hơn, công ty hy vọng có thể đảm bảo nguồn tài chính họ cần vào lúc đó.

 

Cổ phiếu hạng C trong ví dụ của chúng ta có thể không bao giờ được bán ra thị trường. Hội đồng quản trị công ty sẽ giữ những cổ phiếu đó nhằm đảm bảo kiểm soát quyền biểu quyết đối với hoạt động quản trị công ty bất kể ai mua cổ phiếu hạng A và hạng B.

 

Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ. Công ty của chúng ta có thể xác định các hạng cổ phiếu của mình theo bất kỳ cách nào khác. Hạn chế duy nhất họ phải tuân theo là các quy tắc của SEC và khả năng tìm kiếm nhà đầu tư để mua các cổ phiếu họ phát hành.

 

Kết luận

 

Quyết định chính mà các nhà đầu tư cá nhân sẽ phải đối mặt khi cân nhắc mua cổ phiếu là giữa cổ phiếu phổ thông với cổ phiếu ưu đãi. Nhà đầu tư nào cần một dòng thu nhập ổn định nên xem xét mua cổ phiếu ưu đãi. Đó là bởi vì tần suất và quy mô của những khoản chi trả cổ tức ưu đãi sẽ được đảm bảo trong khi cổ tức trả cho các cổ phiếu phổ thông có thể bị thay đổi hoặc chấm dứt tùy theo quyết định của hội đồng quản trị công ty. Ngược lại, nhà đầu tư nào tìm kiếm tăng trưởng giá vốn sẽ có lợi hơn nếu cân nhắc mua cổ phiếu phổ thông.

 

Thích

Lưu


 

Bài viết liên quan


mình nhà đầu tư cá nhân trc ko hiểu rõ nay đọc hiểu ra vđ rùi


Đỗ Thành Đạt

Đỗ Thành Đạt

2 năm trước

đọc để cân nhắc mua cổ phiếu


Bùi Văn Đồng

Bùi Văn Đồng

2 năm trước

nhà đầu tư cá nhân nên đọc


Nguyễn An Giang

Nguyễn An Giang

2 năm trước

Chi tiết cụ thể thank chủ top chia sẻ


Nguyễn Trung Hậu

Nguyễn Trung Hậu

2 năm trước

các bài vô đọc để hiểu đầu tư hiệu quả né

Bài hot nhất

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.