Giá dầu bắt đầu tuần mới trong sắc xanh sau khi lao dốc ở 3 phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Đặc biệt, tuần trước thị trường được ví là “tuột dốc không phanh”.
03:21, 06/02/2024
Giá dầu bắt đầu tuần mới trong sắc xanh sau khi lao dốc ở 3 phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Đặc biệt, tuần trước thị trường được ví là “tuột dốc không phanh”.
Cụ thể, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,54 USD/thùng, tăng 0,21 USD, tương đương 0,27% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,41 USD/thùng, tăng 0,13 USD, tương đương 0,18% so với phiên liền trước.
Theo Reuters, tòa án Hong Kong (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande. Sự việc này khiến giới đầu tư hoài nghi về những nỗ lực vực dậy thị trường bất động sản vốn chìm sâu trong khủng hoảng của chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà tăng phần nào bị kìm hãm khi dữ liệu cũng cho thấy tồn kho dự trữ xăng dầu tại Mỹ trong tuần nước tăng thêm tới 5 triệu thùng, chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Điểm sáng duy nhất của thị trường năng lượng trong tuần qua là phiên 30/1, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã lấn át những lo ngại về nhu cầu dầu của Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc là một “đòn giáng” mạnh vào niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu, với dữ liệu trước đó cho thấy hoạt động đầu tư tại Trung Quốc chậm hơn dự kiến.
Ông John Kilduff, đối tác tại công ty đầu tư Again Capital LLC, cho biết: “Tình hình ở Trung Quốc là trở ngại lớn nhất đối với toàn bộ thị trường”.
Một cuộc khảo sát nhà máy chính thức đưa ra ngày 31/1 cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 1/2024.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn để lấy lại động lực. Thông tin này xuất hiện vài ngày sau khi một tòa án của Hong Kong (Trung Quốc) ra lệnh thanh lý tài sản của nhà phát triển bất động sản đang ngập trong nợ Evergrande. Lĩnh vực bất động sản chiếm 25% GDP của Trung Quốc.
Các nhà dự báo lớn, trong đó có Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận thấy nhu cầu dầu sẽ tăng vào năm 2024 chủ yếu nhờ hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết tính đến thời điểm hiện tại, số liệu mới nhất từ Trung Quốc có thể gây trở ngại cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Bên cạnh đó, căng thẳng tạm lắng ở Trung Đông cũng khiến giá dầu “hạ nhiệt”. Bộ Ngoại giao Qatar tối 1/2 thông báo, phiến quân Hamas đã bước đầu chấp nhận thỏa thuận trao trả con tin do Qatar và Ai Cập đề xuất, nhờ đó giao tranh tại Dải Gaza sẽ tạm dừng trong một thời gian để đổi lấy việc trả tự do cho một số con tin.
Lãi suất cao, vốn có xu hướng làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu, ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dường như sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian tới.
Dữ liệu vào ngày 2/2 cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong tháng 1/2024 so với dự báo, làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong ngắn hạn. Kết quả là đồng USD bật tăng so với các đối thủ tiền tệ khác.
Góp phần khiến giá dầu suy giảm là tình trạng tạm ngừng hoạt động tại nhà máy lọc dầu công suất 435.000 thùng/ngày của BP ở Whiting, Indiana, sau khi mất điện làm gián đoạn hoạt động vào ngày 1/2.
Nguồn điện tại nhà máy lọc đầu đã được khôi phục vào giữa trưa ngày 2/2, nhưng nhiều nguồn tin cho biết BP vẫn chưa ấn định ngày khởi động lại nhà máy.
Hoa Nguyễn