Trong phiên giao dịch ngày 12 tháng 5, giá dầu hạ nhiệt và đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp, do những lo ngại kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc. Thị trường cũng lo lắng nếu nhu cầu nhiên liệu tại các thị trường lớn suy giảm.
15:11, 12/05/2023
Trong phiên giao dịch ngày 12 tháng 5, giá dầu hạ nhiệt và đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp, do những lo ngại kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc. Thị trường cũng lo lắng nếu nhu cầu nhiên liệu tại các thị trường lớn suy giảm.
Dầu thô Brent kỳ hạn giảm 48 xu, tương đương 0,64%, xuống 74,50 USD/thùng vào lúc 13h35 giờ Việt Nam. Dầu WTI của Mỹ đã giảm 39 xu, tương đương 0,55%, xuống còn 70,48 USD.
Cả hai hợp đồng dầu chuẩn đều đang trên đà giảm khoảng 1,1% trong tuần, đây sẽ là chuỗi giảm hàng tuần dài nhất kể từ tháng 11 năm 2021.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về trần nợ của chính phủ Mỹ bị đình trệ và những lo ngại mới về việc một ngân hàng khu vực khác đang gặp khủng hoảng, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Mỹ sẽ gặp phải suy thoái. Sự sụt giảm các khoản vay mới cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc và dữ liệu kinh tế yếu hơn càng khiến thị trường hoài nghi về sự phục hồi của nước này sau các hạn chế do COVID thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets ở Auckland, cho biết thêm, dữ liệu lạm phát giảm từ cả hai quốc gia cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng yếu.
Bà chia sẻ“Dầu là mặt hàng nhạy cảm với tăng trưởng, bị ảnh hưởng bởi những yếu tố giảm giá này.”
Giá đã tăng sớm hơn vào thứ Sáu, sau khi giảm trong hai phiên trước đó, do một số kỳ vọng về nhu cầu sau bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ rằng quốc gia này có thể mua lại dầu cho Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) sau khi một số giao dịch bán kết thúc vào tháng Sáu.
Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ mua dầu khi giá liên tục ở mức hoặc dưới 67 USD đến 72 USD/thùng.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán để tăng giới hạn nợ liên bang trị giá 31,4 nghìn tỷ USD của Mỹ có thể không đạt được thỏa thuận kịp thời để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ. Đây là yếu tố có thể gây ra sự xáo trộn thị trường nghiêm trọng.
Cổ phiếu của ngân hàng PacWest Bancorp (PACW.O) tại Mỹ đã giảm 23% vào thứ Năm sau khi cho biết tiền gửi của họ giảm và họ đã gửi thêm tài sản thế chấp cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để tăng tính thanh khoản.
Dữ liệu giá tiêu dùng tháng 4 của Trung Quốc tăng với tốc độ chậm hơn và không đạt kỳ vọng, trong khi giảm phát tại cổng nhà máy ngày càng sâu, cho thấy có thể cần nhiều kích thích hơn.
Thị trường dầu phần lớn phớt lờ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho năm 2023, dự báo nhu cầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ tăng.
Dự báo nhu cầu dầu toàn cầu của OPEC cho năm 2023 vẫn đang ổn định trong tháng thứ ba. Việc nhóm sản xuất viện dẫn rằng tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ được bù đắp bởi những rủi ro kinh tế suy giảm ở những nơi khác như trần nợ của Mỹ.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trong một báo cáo hàng tháng, nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2023 sẽ tăng 2,33 triệu thùng/ngày (bpd), tương đương 2,3%. Con số này hầu như không thay đổi so với dự báo 2,32 triệu thùng/ngày vào tháng trước.
OPEC cho biết: “Những điều chỉnh tăng nhẹ được thực hiện do hiệu suất kinh tế tại Trung Quốc khả quan hơn dự kiến của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi các khu vực khác dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhẹ do những thách thức kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ”.
Mới đây, OPEC+ tuyên bố một đợt cắt giảm mới khiến việc hỗ trợ giá dầu bị ảnh hưởng.
OPEC cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc hiện dự kiến sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, tăng so với dự báo 760.000 thùng/ngày vào tháng trước, góp phần vào sự phục hồi sau khi các biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng toàn cầu không thay đổi trong tháng thứ ba liên tiếp và OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 2,6%, viện dẫn những rủi ro suy giảm tiềm ẩn như lạm phát và tăng thanh toán nợ do lãi suất cao hơn.
OPEC chia sẻ “Ngoài ra, vấn đề trần nợ của Mỹ cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, một vấn đề có thể gây ra hậu quả kinh tế.”
Báo cáo cũng cho thấy sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 4, phản ánh tác động của việc cắt giảm sản lượng trước đó được OPEC+ cam kết để hỗ trợ thị trường cũng như một số sự cố ngừng sản xuất ngoài kế hoạch.
Vào tháng 11 năm ngoái, với việc giá cả suy yếu, OPEC+ đã đồng ý giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày - mức lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Việc cắt giảm tự nguyện vào ngày 2 tháng 4 đã bổ sung vào tổng số này.
Bên cạnh đó, OPEC cho biết sản lượng tháng 4 của họ cũng giảm 191.000 thùng/ngày xuống 28,60 triệu thùng/ngày, với sự sụt giảm ở Iraq và Nigeria.
Xuất khẩu phía bắc của Iraq bị đình trệ trong khi một số mặt hàng xuất khẩu của Nigeria bị gián đoạn do tranh chấp lao động.
Hoa Nguyễn - theo reuters