Dầu thô thế giới đồng loạt tăng trong phiên 17/9 giữa bối cảnh các nhà đầu tư dự đoán OPEC+ sẽ bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng vào mùa thu.
04:03, 18/09/2024
Dầu thô thế giới đồng loạt tăng trong phiên 17/9 giữa bối cảnh các nhà đầu tư dự đoán OPEC+ sẽ bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng vào mùa thu.
Cụ thể, vào 10h35 theo giờ Việt Nam, dầu thô WTI ở mức 69,47 USD/thùng, tăng 0,45 USD/thùng, tương ứng tăng 0,65%. Dầu thô WTI đóng cửa phiên giao dịch trước đó với mức giá 69,02 USD/thùng, mở cửa phiên 17/9 với giá 69,31 USD/thùng.
Dầu Brent ở mức 73,11 USD/thùng, tăng 0,36 USD/thùng, tương ứng tăng 0,49%. Dầu Brent đóng cửa phiên giao dịch trước đó với mức giá 72,15 USD/thùng và mở cửa phiên 17/9 với mức 72,99 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng nhờ vào những tác động của bão Francine đối với sản lượng tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ, cũng như kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất cuộc họp chính sách sắp tới.
Trong khi đó, số liệu kinh tế yếu hơn của Trung Quốc vào cuối tuần trước đã làm giảm tâm lý thị trường. Triển vọng tăng trưởng thấp trong thời gian dài tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới làm gia tăng nghi ngờ về nhu cầu dầu.
Dữ liệu cho thấy cho đến ngày 16/9, Mỹ vẫn chưa khôi phục được 12% sản lượng dầu thô và 16% sản lượng khí đốt tự nhiên tại vùng duyên hải Vịnh Mexico sau bão Francine. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mức tăng của giá dầu vẫn còn khá hạn chế bởi thị trường thận trọng trước quyết định về lãi suất của Fed.
Các nhà giao dịch đang đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm cơ bản. Lãi suất thấp hơn thường làm giảm chi phí vay, giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao nhu cầu về dầu.
Trong tháng 8, tăng trưởng sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã chậm lại ở mức thấp nhất trong 5 tháng trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục thấp. Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc cũng giảm tháng thứ 5 liên tiếp do nhu cầu nhiên liệu yếu và biên lợi nhuận xuất khẩu hạn chế sản lượng.
Quyết định mới nhất của OPEC làm giảm bớt lo ngại về khả năng dư cung khi mùa thu đang đến gần và giúp đẩy lùi đà giảm của giá dầu. OPEC+ ban đầu dự định tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10.
Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn, nhằm đưa 2,2 triệu thùng dầu trở lại thị trường trong năm tới. Ngay cả những thay đổi nhỏ về nguồn cung, như 200.000 thùng mỗi ngày, cũng có thể tác động đáng kể đến giá dầu toàn cầu, do nhu cầu toàn cầu hàng ngày là khoảng 100 triệu thùng.
Trên thực tế, Mỹ là nước khai thác dầu hàng đầu thế giới. Theo Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới, vào năm 2023, Mỹ khai thác 15,6% lượng dầu của thế giới. Tuy nhiên, Nga và Ả Rập Xê-út lần lượt là nhà sản xuất số 2 và số 3 trên toàn cầu, đều là thành viên của OPEC+. Ngoài ra, nhiều nhà khai thác trong Top 10 toàn cầu đều là thành viên OPEC. Tính tổng, họ chiếm gần 50% sản lượng dầu toàn cầu vào năm 2023.
Hơn nữa, nhiều thành viên của OPEC bao gồm một công ty dầu mỏ quốc gia có sức mạnh thị trường lớn hơn nhiều so với bất kỳ hãng khai thác nào của Mỹ. Ví dụ, Saudi Aramco có thể tác động tới thị trường. ExxonMobil chỉ là một trong hàng nghìn công ty dầu mỏ của Mỹ, và dù có quy mô lớn đến đâu, các quyết định của họ đơn giản là không có tác động đáng kể đến thị trường.
Ngoài khai thác dầu, OPEC còn nắm giữ phần lớn trữ lượng dầu thô đã được xác minh trên thế giới. Các nước OPEC sở hữu 70% trữ lượng đã được chứng minh của thế giới và Nga có 6% khác. Mỹ kém xa với 4% trữ lượng đã được xác minh của thế giới.
Hoa Nguyễn