Unilever (UL) là công ty chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và hiện sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm Dove, Axe, Vaseline, Knorr và Ben & Jerry's.
11:52, 12/05/2024
Cổ phiếu của gã khổng lồ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu đã giảm giá đáng kể.
Unilever (UL) là công ty chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và hiện sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm Dove, Axe, Vaseline, Knorr và Ben & Jerry's. Với kho các mặt hàng phổ biến trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, Unilever là một lựa chọn đầu tư an toàn cho bất kỳ danh mục đầu tư nào.
Với hệ số beta là 0,45, Unilever là cổ phiếu có mức độ ổn định cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Dù được coi là một kênh đầu tư an toàn, Unilever vẫn có thể mang lại cho các nhà đầu tư tổng lợi nhuận vượt trội so với thị trường trong thập kỷ tới.
Sau khi giảm 27% so với mức cao nhất mọi thời đại, cổ phiếu hiện được giao dịch ở mức định giá thấp nhất trong một thập kỷ qua và trả tỷ suất cổ tức cao (nhưng an toàn) lên tới 3,9%. Đây là lý do tại sao nên cân nhắc mua Unilever vào lúc này.
Unilever sở hữu hơn 400 thương hiệu được bán tại 190 quốc gia. Công ty chia hoạt động thành năm phân khúc kinh doanh sau:
• Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe (21% doanh thu): Sản phẩm dưỡng tóc và da Dove, dưỡng tóc Sunsilk, TreSemmé và Clear, cùng với sản phẩm dưỡng da Pond's và Vaseline.
• Chăm sóc cá nhân (23% doanh thu): Sữa tắm Dove, chất khử mùi Axe và Rexona, kem đánh răng Pepsodent và Signal.
• Chăm sóc nhà cửa (20% doanh thu): Bột giặt OMO, Nước xả vải Comfort, Nước rửa chén Sunlight và các sản phẩm tẩy rửa Cif.
• Dinh dưỡng (22% doanh thu): Mì Knorr, nước sốt Hellmann và các món ăn được yêu thích khác theo vùng miền.
Kem (13% doanh thu): Ben & Jerry's, Talenti, Cornetto và Magnum.
Điều khiến Unilever trở nên đặc biệt chính là công ty tạo ra khoảng 78% doanh thu bên ngoài Bắc Mỹ, bao gồm 58% doanh thu từ các thị trường mới nổi. Những thị trường quốc tế này mang lại cho công ty tiềm năng tăng trưởng cao hơn mong đợi đối với một công ty hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.
Trong năm 2023, mặc dù doanh thu cơ bản tăng 7% (chưa tính chênh lệch do tỷ giá hối đoái) nhưng doanh thu theo nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi (GAAP) của Unilever vẫn giảm 1% do đồng đô la Mỹ mạnh lên. Tuy nhiên, đây chỉ là những trở ngại ngắn hạn và hiệu ứng phụ của quy mô toàn cầu khổng lồ của Unilever.
Vì cơ cấu tinh gọn cho quy mô toàn cầu là điều quan trọng nhất đối với công ty lúc này nên ban lãnh đạo đang chuyển trọng tâm tiếp thị sang 30 “thương hiệu mạnh” của mình. Những thương hiệu này đóng góp vào khoảng 75% doanh thu của công ty trong năm 2023 và đã tăng 9% trong năm nay - vượt xa mức tăng trưởng chung của công ty 2 điểm phần trăm.
Để tiếp tục quá trình tinh gọn này, Unilever gần đây đã đưa ra một thông báo bất ngờ: Công ty sẽ chia tách mảng bán kem.
Unilever gần đây đã thông báo rằng họ có kế hoạch tách mảng kinh doanh kem, mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong 5 mảng kinh doanh của công ty. Với tỷ suất lợi nhuận hoạt động chỉ 11% so với mức trung bình 17% của bốn phân khúc còn lại - hoạt động kinh doanh kem rõ ràng đang cản trở tỷ suất lợi nhuận của Unilever.
Mảng kinh doanh kem cần nhiều vốn hơn các mảng còn lại do nhu cầu về chuỗi cung ứng kho lạnh. Là một công ty độc lập, Unilever có thể được hưởng lợi từ việc tập trung vào mô hình kinh doanh đặc thù và tạo ra sự kết hợp mới như một phần của nỗ lực tinh gọn bộ máy.
Sự chia tách này sẽ giúp Unilever trở nên tinh gọn hơn và có thể nhận được mức định giá hấp dẫn hơn từ thị trường nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Kế hoạch chia tách này có thể là tia lửa cần thiết để khởi động lại quá trình tăng giá cổ phiếu của Unilever khi cổ phiếu của công ty giao dịch gần mức định giá thấp nhất kể từ năm 2015.
Với tỷ suất cổ tức 3,9% và hệ số giá trên doanh thu (P/S) 1,8, Unilever đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn nhất trong thập kỷ qua.
DỮ LIỆU TỶ SUẤT CỔ TỨC VÀ HỆ SỐ PS CỦA UL THEO YCHARTS.
Unilever ghi nhận tỷ suất dòng tiền tự do (FCF) 12% vào năm 2023 và cổ phiếu của công ty giao dịch ở mức giá thấp hơn 15 lần FCF (P/FCF 15x), thấp hơn nhiều mức P/FCF 24 -31x của hầu hết các công ty cùng ngành.
Với khả năng tạo tiền mặt ấn tượng, công ty chỉ cần sử dụng 62% FCF của năm 2023 để trả cổ tức với mức tỷ suất lên tới 3,9%. Lượng tiền mặt dồi dào này tạo điều kiện cho việc tăng cổ tức trong tương lai cũng như hỗ trợ các kế hoạch mua lại cổ phiếu, điều này đã giúp giảm số lượng cổ phiếu của Unilever 2% mỗi năm trong ba năm qua.
Với mức lợi nhuận hấp dẫn, quy mô toàn cầu, hoạt động tinh gọn và mức định giá thấp, cổ phiếu Unilever thực sự là một lựa chọn lý tưởng cho các nhà đầu tư kiên nhẫn sẵn sàng mua và nắm giữ trong nhiều năm.
Đức Khiêm - theo fool