Trong phiên giao dịch ngày 16/11, giá dầu ngập trong sắc đỏ khi các trường hợp Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn. Cụ thể, dầu WTI của Mỹ ghi nhận giảm mạnh 2,81 USD về mức 85,36 USD/thùng, còn giá dầu Brent cũng giảm mạnh 2,6 USD về mức 92,54 USD/thùng.
10:06, 16/11/2022
Trong phiên giao dịch ngày 16/11, giá dầu ngập trong sắc đỏ khi các trường hợp Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn. Cụ thể, dầu WTI của Mỹ ghi nhận giảm mạnh 2,81 USD về mức 85,36 USD/thùng, còn giá dầu Brent cũng giảm mạnh 2,6 USD về mức 92,54 USD/thùng.
Đường ống Druzhba cung cấp dầu cho các nhà máy lọc dầu Belarus và quá cảnh sang châu Âu. Đường ống bắt nguồn từ vùng Samara, đi qua Bryansk rồi phân thành hai nhánh: phía Bắc và phía Nam, đi qua Belarus, Ukraine, Ba Lan, Cộng hoà Czech, Slovakia, Đức, Hungary, Latvia, Lithuania.
Nhà điều hành đường ống dầu PERN của Ba Lan vào cuối ngày 15/11 cho biết dòng chảy qua phần Ba Lan của đường ống Druzhba đã bình thường trở lại, sau khi truyền thông đưa tin rằng việc cung cấp dầu cho Hungary qua đường ống này tạm thời bị đình chỉ do áp suất giảm.
Bà Karolina Krasinska, phát ngôn viên của PERN, cho hay bà không có thông tin gì về sự gián đoạn và hoạt động cung cấp dầu vẫn được thực hiện bình thường. Trước đó cùng ngày 15/11, người phát ngôn của Công ty vận tải dầu khí Nga Transneft Igor Demin cho hay đã nhận được thông báo từ phía Ukraine về việc ngừng bơm dầu qua đường ống Druzhba theo hướng Hungary. Ông Demin cho hay phía Ukraine thông báo việc bơm dầu bị đình chỉ do sụt áp. Phía Hungary và Ba Lan đều xác nhận tình trạng gián đoạn trên, song không đưa ra lý do chính thức nào.
Một thông tin khác cũng ảnh hưởng tới giá vàng đen là lệnh cấm vận từ EU. EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2/2023, tước đi nguồn thu từ dầu mỏ của Nga và buộc một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới phải tìm kiếm thị trường thay thế.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào năm tới sau khi lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực.
Cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris cho biết, trong báo cáo dầu hàng tháng của mình rằng động thái cắt giảm doanh thu của Moscow sẽ tạo ra nhiều bất ổn hơn cho thị trường dầu mỏ và gây thêm áp lực lên giá, bao gồm cả dầu diesel.
Điều này có nghĩa là EU sẽ cần thay thế 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 1,1 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày, dầu diesel đặc biệt khan hiếm và đắt đỏ với giá cao hơn 70% so với thời điểm này năm ngoái, góp phần thúc đẩy lạm phát toàn cầu, IEA cho biết.
IEA dự báo, triển vọng kinh tế ảm đạm sẽ khiến mức sử dụng dầu toàn cầu giảm gần 1/4 triệu thùng/ngày (bpd) trong quý 4 năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng trưởng nhu cầu chậm lại còn 1,6 triệu bpd vào năm 2023 từ 2,1 triệu bpd trong năm nay.
Ngoài ra, một kế hoạch của G7, nhằm bổ sung cho lệnh cấm vận của EU, sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển giúp xuất khẩu dầu của Nga, nhưng chỉ với mức giá thấp bắt buộc. Kế hoạch này cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.