Số ca mắc mới COVID 19 liên tục gia tăng tại Trung Quốc, các mối đe dọa suy thoái kinh tế, Mỹ tăng lãi suất tiếp tục đẩy giá dầu đi xuống trong phiên ngày 18/11. Dầu cũng ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp.
11:54, 19/11/2022
Số ca mắc mới COVID 19 liên tục gia tăng tại Trung Quốc, các mối đe dọa suy thoái kinh tế, Mỹ tăng lãi suất tiếp tục đẩy giá dầu đi xuống trong phiên ngày 18/11. Dầu cũng ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,84 USD, tương đương 3,06%, xuống mức 89,51 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ trượt dốc tới 4,6%, tương đương 3,95 USD, xuống mức 81,64 USD/thùng.
Cùng với số ca nhiễm COVID-19 gia tăng hằng ngày ở Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu của nước này đã yêu cầu giảm khối lượng dầu thô mua của Ả Rập Xê Út trong tháng 12, đồng thời làm chậm hoạt động mua dầu thô của Nga.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis James Bullard cho biết, quy tắc chính sách tiền tệ cơ bản đòi hỏi lãi suất tăng lên tới mức tối thiểu là khoảng 5%, trong khi các giả định chặt chẽ hơn sẽ khuyến nghị lãi suất là hơn 7%.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng trong phiên tối qua cũng khiến cho chi phí nhập khẩu của các quốc gia tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt tại khu vực châu Á tăng mạnh.
Hiện một loạt các thông tin tiêu cực đang đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10. Trong khi đó, nguồn cung cũng đang khan hiếm trong tháng 11 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) thực hiện các biện pháp kiểm soát sản lượng mới nhất để hỗ trợ thị trường.
Theo đó, các lệnh trừng phạt của châu Âu sẽ buộc Nga phải cung cấp một số dầu thô xuất khẩu với mức giá do Mỹ và các đồng minh đặt ra, nếu Moscow muốn ngăn chặn việc cắt giảm một số nguồn cung.
Ước tính của Mỹ là sẽ có một số đợt đóng cửa vào ngày 5/12 trừ khi Nga sẵn sàng chấp nhận mức giá bằng hoặc thấp hơn mức trần cho nhà nhập khẩu trên khắp thế giới. Vào ngày 5/12 tới, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.
Cùng ngày, EU và Vương quốc Anh sẽ cấm các công ty của họ cung cấp dịch vụ vận chuyển, tài trợ thương mại và bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga trừ khi các lô hàng được định giá dưới mức trần. Mức trần - vẫn chưa được thống nhất - sẽ được thiết lập bởi một liên minh bao gồm Nhóm G7 và EU.
Nga hiện đang xuất khẩu khoảng 3,6 triệu thùng mỗi ngày bằng đường biển. Nhưng nếu khả năng vận chuyển và bảo hiểm cạn kiệt, những nhà nhập khẩu đó sẽ phải đảm bảo các giao dịch ở mức giá trần để tiếp cận các dịch vụ châu Âu và sắp xếp giao các nguồn cung cấp bổ sung.
Mỹ trong nhiều tháng đã lo ngại các lệnh trừng phạt của EU vào ngày 5/12 được thiết kế để trừng phạt thêm Nga vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ phản tác dụng bằng cách chặn một lượng dầu đáng kể ở Nga, khiến giá toàn cầu tăng vọt. Bộ Tài chính Mỹ đề xuất mức trần giá như một giải pháp thay thế, cho phép dầu của Nga tiếp tục tồn tại trên thị trường, nhưng với mức giá sẽ làm giảm doanh thu của Moscow.
Hoa Nguyễn - Theo reuters.com
Đọc thêm: Cơ hội tuyệt vời khi cổ phiếu Tesla giảm sâu dưới 200 USD