Đăng kíĐăng Nhập

Giai Đoạn Tiền Rẻ Tại Mỹ Dần Chấm Dứt

Traderrap

12:34, 21/02/2022

382

VIEW

Chỉ số lạm phát tháng 1 của Mỹ đã leo lên mức cao nhất trong vòng 4 thập niên gần đây, với mức tăng 7,5% so với một năm trước. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của Mỹ cũng như toàn cầu.

 

Fed đã phát đi tín hiệu tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 3/2022.

 

Mức tăng trong cuộc khảo sát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - đo lường chi phí của nhiều loại hàng hóa - là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/1982. Các mặt hàng tăng giá mạnh bao gồm thuốc lá, nhà ở, xăng dầu, thịt và ô tô.

 

Lạm phát ở Mỹ đã tăng cao hơn do nhu cầu tăng vọt và thiếu nguồn cung do tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 đối với thương mại. Giá thực phẩm, điện và chỗ ở tăng là những yếu tố đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số này. Chỉ số lương thực đã tăng 0,9% trong tháng 1/2022, sau khi tăng 0,5% trong tháng 12/2021. Chỉ số năng lượng cũng tăng 0,9% so với tháng trước.

 

Sau khi loại bỏ thực phẩm và nhiên liệu - những thứ mà giá cả thường xuyên biến động, lạm phát của Mỹ vẫn tăng 6%. Tình trạng khan hiếm ô tô đã qua sử dụng cũng tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của lạm phát. Giá ô tô đã qua sử dụng tại Mỹ trong tháng 1/2022 đã cao hơn 40,5% so với một năm trước. Chi phí nhà ở tăng 4,4% so với một năm trước.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 3/2022 với nỗ lực giảm chi tiêu và hạ giá. Trong một lưu ý cho các nhà đầu tư, Oxford Economics cho rằng, tin tức CPI mới nhất có thể đồng nghĩa với việc tăng lãi suất trong những tháng tới.

 

“Fed coi ưu tiên hàng đầu của mình là kiềm chế lạm phát. Dữ liệu giá mạnh này làm tăng triển vọng Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt của mình với việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 3, tiếp theo là các đợt tăng lãi suất liên tiếp trong các cuộc họp tiếp theo”.

 

Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến tín nhiệm với ông Joe Biden ngay cả khi thị trường việc làm tăng trở lại sau đợt đại dịch. Năm ngoái, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 5,5%, mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1984 và hơn 1,6 triệu việc làm mới đã được bổ sung trong ba tháng qua.

 

Khi giá xăng, giá thực phẩm và nhà ở vẫn tăng, chỉ 37% người Mỹ tán thành cách Tổng thống Biden xử lý nền kinh tế, theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng của Associated Press-NORC thực hiện.

 

Tổng thống Biden đã có phát biểu về tình trạng tăng giá: “Tôi biết giá thực phẩm đang tăng. Chúng tôi đang làm việc để giảm thiểu chúng. Tôi sẽ có hành động mạnh để hạ giá xăng”.

 

Ủy ban Châu Âu cũng đã nâng kỳ vọng lạm phát của mình trong năm nay, nhưng vẫn hy vọng giá sẽ giảm xuống dưới mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 2% vào năm 2023.

 

Những con số này chỉ ra sự điều chỉnh tăng trong dự báo lạm phát của chính ECB tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 3. Giới đầu tư và phân tích tài chính theo dõi chặt chẽ cuộc họp để dự báo liệu ECB có cắt giảm chương trình mua trái phiếu hay điều chỉnh bất kỳ điều khoản nào khác trong chính sách của mình hay không. Bất cứ quyết định nào của ngân hàng trung ương đều có thể tác động lớn đến sự phục hồi của các nền kinh tế khu vực đồng euro, một số nền kinh tế trong số đó đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

 

Ủy viên châu Âu Paolo Gentiloni lưu ý rằng, các cơ quan hiện đang xem xét liệu lạm phát có dai dẳng hơn ước tính trước đó hay không, đồng thời cho biết ông “tin tưởng” vào các quyết định mà ECB sẽ thực hiện. Ông này khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những yếu tố quan trọng sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của khu vực đồng euro trong năm nay.

 

Ông nói: “Chúng ta vẫn đang ở trong một môi trường có tỷ giá giảm và các điều kiện tài chính rất tốt và đây là một trong những yếu tố cơ bản có thể hỗ trợ mức tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo”.

 

Triển vọng lạm phát, cũng như nền kinh tế nói chung ở châu Âu, còn phụ thuộc vào căng thẳng giữa Ukraine và Nga. Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe cảnh báo rằng những rủi ro địa chính trị này có thể có tác động kinh tế đáng kể.

 

Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên từ Nga, một số đến qua đường ống ở Ukraine. Bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng có thể tác động đến dòng chảy thông thường của khí đốt và đẩy chi phí lên cao, khiến lạm phát thậm chí còn cao hơn.

theo traderhub.vn

Bài viết liên quan


Bài hot nhất

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.