Đăng kíĐăng Nhập

USD/JPY có thể lùi về mốc 134,00

Khoa Phung

04:17, 28/02/2023

141

VIEW

Nội Dung

Trong diễn biến mới nhất, các số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã bất ngờ giảm mạnh trong tuần trước. Đây có thể là động thái khiến cho FED vững tay tăng lãi suất trong thời gian tới, đồng thời giúp đồng USD mạnh lên trong ngắn hạn. Ngược lại, trong phát biểu mới nhất của mình, Ứng cử viên Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, khiến đồng JPY đi xuống.

USD/JPY có thể lùi về mốc 134,00

 

Thị trường việc làm vững mạnh làm dấy lên lo ngại về lộ trình lãi suất của Fed

 

Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động liên tục thắt chặt và càng làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến.

 

Những lo ngại đó đã được khuếch đại bởi dữ liệu khác, vừa được công bố ngày 23/2. Đó là lạm phát của Mỹ tăng mạnh hơn nhiều so với dự đoán ban đầu trong quý IV/2022. Điều này khiến sự chú ý cao hơn được dồn về dữ liệu giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 1/2023, dự kiến được công bố ngày 24/2 (giờ địa phương).

 

Mặc dù Fed dự kiến sẽ đưa ra hai đợt tăng lãi suất bổ sung ở mức 0,25 điểm phần trăm vào tháng Ba và tháng Năm tới, thị trường tài chính đang đặt cược vào một đợt tăng lãi suất nữa của ngân hàng này vào tháng Sáu năm nay. Fed đã tăng lãi suất 4,5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, từ mức gần bằng 0 lên mức 4,50%-4,75%.

 

Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, cho biết: “Nếu thị trường lao động là ánh sáng dẫn đường của Fed trong việc kiểm soát lạm phát, thì các nhà hoạch định chính sách còn nhiều việc phải làm vì tăng trưởng vẫn tích cực và nhu cầu lao động mạnh mẽ. Không có dấu hiệu suy thoái kinh tế ở bất cứ đâu trong các dữ liệu hiện nay và lạm phát có vẻ tồi tệ hơn một chút”.

 

Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sau khi được điều chỉnh theo mùa đã giảm 3.000 đơn xuống 192.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 18/2. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo sẽ có 200.000 đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước.

 

Ứng cử viên Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cam kết duy trì chính sách tiền tệ lỏng
 

Sáng 24/2, Giáo sư Kazuo Ueda, người được Chính phủ Nhật Bản đề cử làm Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thay cho ông Haruhiko Kuroda, đã có phiên điều trần trước một ủy ban của Hạ viện Nhật Bản.

 

Phát biểu tại cuộc điều trần, ông Ueda khẳng định “việc duy trì chính sách tiền tệ lỏng là thích hợp” nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2% cho dù chính sách này đang mang lại “nhiều tác dụng phụ”. Ông nói: “Tôi tin rằng việc BoJ tiếp tục nới lỏng tiền tệ là thích hợp, trong khi tiếp tục đưa ra các biện pháp ứng phó với tình hình hiện tại”.

 

Bên cạnh đó, ông Ueda cũng tuyên bố: “Tôi muốn biến 5 năm tới thành khoảng thời gian để BoJ hoàn thành sứ mệnh đạt được sự ổn định về giá cả, vốn là vấn đề lâu dài đối với cả ngân hàng trung ương này và bản thân tôi trong hơn 25 năm kể từ khi Luật Ngân hàng trung ương Nhật Bản mới có hiệu lực”.

 

Theo ông Ueda, mặc dù Nhật Bản đang phục hồi sau đại dịch nhưng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh nền kinh tế và thị trường tài chính. Tốc độ tăng chỉ số CPI vẫn ở quanh mức 4%, cao hơn so với mục tiêu 2% của BoJ, chủ yếu do chi phí đẩy chứ không phải do nhu cầu mạnh.

 

Vì vậy, ông Ueda cho rằng “sẽ cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững và ổn định. Trước tình hình kinh tế và giá cả hiện tại cũng như triển vọng trong tương lai, chúng tôi tin rằng chính sách tiền tệ hiện tại của BoJ là phù hợp”.

 

Ông Ueda, 71 tuổi, đã từng giữ chức Ủy viên Hội đồng Chính sách BoJ từ năm 1998 đến năm 2005 – thời điểm Nhật Bản đang phải vật lộn với giảm phát. Trong thời gian đó, BoJ đã đưa ra nhiều chính sách táo bạo như đưa lãi suất về 0% vào năm 1999 và nới lỏng định lượng vào năm 2001.

 

Điều này một lần nữa khiến đồng yên Nhật tạo động lực đi xuống trong ngắn hạn.

 

Phân tích kỹ thuật

 

USD/JPY tích lũy ngang trong hầu hết thời gian giao dịch tuần này, vì giới trader Yên Nhật đang đứng ngồi không yên trước bài phát biểu của ứng cử viên Thống đốc BOJ Kazuo Ueda vào đầu ngày hôm nay.

 

Kể từ khi ông Ueda bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường giữ lãi suất thấp như hiện tại, USD/JPY đã tăng nhưng khá giằng co và hướng mục tiêu đến ngưỡng kháng cự một lần nữa.

 

Vậy liệu chất xúc tác lớn sắp tới có thể thúc đẩy nhịp tăng hay giảm mạnh không?

 

Chỉ số giá PCE cơ bản của nền kinh tế Mỹ sẽ được công bố trong vài giờ tới, và đây được cho là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

 

Các nhà phân tích hiện dự đoán PCE cơ bản sẽ tăng nhẹ từ 0,3% lên 0,4%. Đây sẽ là một tín hiệu nữa ủng hộ các nỗ lực thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang. Nếu kết quả thực tế cao hơn nhiều so với dự kiến thì có thể Đồng bạc xanh sẽ có một nhịp tăng nữa. Trong trường hợp đó, USD/JPY có thể sẽ tăng đột phá khỏi vùng biên độ ngang.

 

Tuy nhiên, có khả năng nhiều trader đã đầu cơ từ trước theo kịch bản Fed tăng lãi suất nhiều hơn trong thời gian tới. Vì vậy, lực bán chốt lời nhanh có thể xuất hiện từ đây.

 

Nếu ngưỡng kháng cự tại mức 135,25 được giữ vững, USD/JPY có thể bị ép lùi về đáy tại mốc tâm lý 134,00.

 

Lưu ý rằng chỉ báo stochastic đang tiến gần đến vùng quá mua, chứng tỏ lực cầu đã sắp cạn. Trong khi đó, khoảng cách giữa các đường trung bình động đang thu hẹp, gợi ý rằng lực tăng giá đang chậm lại.

Bài viết liên quan


Bài hot nhất

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.